Thanh Hóa: Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng lừa đảo, mua bán người sang Campuchia

Admin
Tỉnh Thanh Hóa đã phát đi thông báo, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến việc lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia làm việc tại các sòn

Nhiều người bị lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng công dân bị một số đối tượng lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia, sau đó bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ.

Sau khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa bán người sang Campuchia, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động và cưỡng đoạt tài sản, bất chấp hơn, chúng còn ép buộc nạn nhân thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Qua nắm tình hình, thời gian qua Công an tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 31 công dân trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân của các vụ môi giới, mua bán người sang Campuchia. Nhiều trường hợp bị mua đi bán lại nhiều lần, bị các đối tượng hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, cá biệt có những trường hợp đã bị chúng bạo hành đến tử vong, có trường hợp bị bắt giữ làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình và gia đình đã phải trả từ vài chục triệu, đến hàng trăm triệu đồng để chuộc người thân về nước.

Thanh Hóa: Ngăn chặn chiêu trò “việc nhẹ lương cao” lừa đảo lao động sang Campuchia
Một đường dây mua bán người bị Công an Thanh Hóa bắt quả tang. Ảnh Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, riêng từ tháng 4/2022 đến nay, Công an tỉnh này đã phát hiện 27 nạn nhân là người Thanh Hóa. Trong đó, có 19 trường hợp đã được giải cứu, 4 trường hợp gia đình nộp tiền chuộc theo yêu cầu của đối tượng và được thả về nước, hiện nay vẫn còn 4 trường hợp đang bị khống chế, giam giữ trái phép tại Campuchia.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thủ đoạn của các đối tượng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ, không cần kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, với mức lương khá cao (từ 700 - 1.000 đô la/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc sòng bài. Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng.

Lúc này các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (có thể từ 15 - 16 tiếng/ngày), nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bị bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la mới được thả hoặc bán cho công ty khác.

Theo đơn tố cáo, cầu cứu của các nạn nhân được biết hoạt động lôi kéo, đưa người Việt Nam sang Campuchia chủ yếu do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam và Campuchia.

Trên cơ sở tin báo của các nạn nhân, thời gian qua Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các lực lượng chức năng trong và ngoài nước giải cứu và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân về nước. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và chưa được thực sự giải quyết triệt để.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Để ngăn chặn kịp thực trạng trên, tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép, lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến.

Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa cũng yêu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tập trung chỉ đạo triển khai các phương án, kế hoạch cụ thể, khả thi để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép, bảo đảm hiệu quả, sát với thực hiện ở địa phương, đơn vị.

Mới đây, Văn phòng tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục ban hành Công văn số 654-CV/TU về việc việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến.

Cụ thể, nội dung công văn yêu cầu các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, về phòng chống mua bán người, về kết quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán người của các cơ quan chức năng để phòng ngừa, răn đe tội phạm.

Thanh Hóa: Ngăn chặn chiêu trò “việc nhẹ lương cao” lừa đảo lao động sang Campuchia
Lực lượng Công an Thanh Hóa tổ chức tuyên truyền cho người dân nghiêm túc chấp hành, ngăn chặn tình trạng người lao động xuất nhập cảnh trái phép

Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt các chính sách bảo hộ công dân, nhằm giải cứu, đưa các nạn nhân của tỉnh đang bị giam giữ tại Campuchia về nước; Chỉ đạo các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn công dân xuất cảnh sang Campuchia và các nước khác để lao động trái phép; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, thông tin - truyền thông, đặc biệt là quản lý thông tin trên mạng Internet và mạng xã hội như: facebook, zalo…, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép; chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sản xuất trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra trường hợp xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.

Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức đợt cao điểm, huy động lực lượng tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời hiệu quả các phương án, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng để lao động trái phép.

Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác quản lý hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng của công dân; thực hiện công tác nằm tình hình, công tác điều tra, xác minh, chủ động phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây và xử lý nghiệm các tổ chức, cá nhân có hành vi lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người đi xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến đã phát hiện trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiểu rõ những rủi ro khi đi lao động trái phép tại Campuchia và các nước, từ đó ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tổ chức tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.

Theo Báo Công Thương