Thái Nguyên: Xử phạt các tổ chức, cá nhân sử dụng Website TMĐT buôn bán không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước

Quyền Trung
Tổ thương mại điện tử - Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra xử lý 05 vụ việc với hành vi “không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng”

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại công văn số 1355/TCQLTT-CVN ngày 31/05/2024 về việc đề nghị kiểm tra, xử lý các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên ban hành công văn số 245a/QLTTTN-NVTH ngày 31/5/2024 chỉ đạo Tổ thương mại điện tử khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức thực hiện việc thẩm tra, xác minh và kiểm tra đối với các tổ chức cá nhân là chủ sở hữu website bán hàng có dấu hiệu vi phạm tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

1

 

Kết quả, Đoàn kiểm tra đã thực hiện thẩm tra xác minh và kiểm tra 08 cơ sở (09 website). Trong đó phát hiện 05 cơ sở (06 website) đều vi phạm với hành vi “không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng”, 01 website đang trong quá trình thẩm tra, xác minh. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 105 triệu đồng.

Đ/c Tạ Đình Dũng - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hoạt động kiểm tra, xác định hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể lực lượng QLTT, cơ bản đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra 37 vụ, xử lý 32 vụ việc vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa vi phạm đạt gần 1 tỷ đồng.

2

 

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,.... Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm đối với phát triển kinh tế, xã hội; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

PV