Trong những năm vừa qua là thời điểm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ucraina kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu (cả thành phẩm và dầu thô) trên thị trường thế giới; giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, Tỷ giá đồng đô la và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối; bên cạnh đó, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
Ngay từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động thực hiện thanh tra, kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Nhằm triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, chủ động triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện 03 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra phát hiện 04 đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 300 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu: Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy đinh; Thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Trong quá trình xử lý, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp và kiến nghị cấp có thẩm quyền “Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu” đối với 1 thương nhân phân phối.
Để thực hiện tốt công tác thanh tra trên lĩnh vực xăng dầu, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo thực hiện: Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đến nay, các thương nhân phân phối xăng dầu đã chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, hoạt động phân phối xăng dầu đã đi vào nề nếp hơn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật. Công tác thanh tra luôn gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó các đơn vị được thanh tra đã hiểu, xác định việc thanh tra là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước.
Khó khăn, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực xăng dầu vẫn tồn tại một số khó khăn tồn tại như:
Thứ nhất, thị trường xăng dầu luôn là thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động, trong thời kỳ phát triển khoa học công nghệ, các hành vi vi phạm của các đối tượng thanh tra ngày càng tinh vi và khó phát hiện như viêc sử dụng cả thiết bị điều khiển từ xa để can thiệp vào phần mềm của phương tiện đo trên một trụ bơm xăng, sau đó lập trình điều chỉnh sai số phương tiện đo thông qua IC (vi mạch) trên bo mạch chính của phương tiện đo.
Thứ hai, hiện nay chưa có quy định cụ thể về thanh tra thường xuyên. Số đơn vị được thanh tra so với số lượng các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành còn chưa nhiều.
Thứ ba, Công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành vẫn còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về các lĩnh vực tài chính, kế toán, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Thứ tư, tại một số thời điểm, ở một số nơi, công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ về các dấu hiệu thực hiện hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu giữa các cấp, ngành, giữa các lực lượng còn hạn chế.
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra cần thực hiện tốt các quy trình, nghiệp vụ từ công tác chuẩn bị thanh tra đến giai đoạn kết thúc thanh tra, trong đó cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, việc xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành phải đảm bảo đúng quy định của Luật, căn cứ theo đúng hướng dẫn, định hướng của Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường…. Lựa chọn nội dung thanh tra chuyên ngành đảm bảo trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, ngành nghề kinh doanh có nhiều tác động tới an sinh xã hội. Kế hoạch thanh tra hạn chế chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, nhất là thanh tra đối với các doanh nghiệp.
Thứ hai, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra: Lựa chọn Trưởng đoàn thanh tra cần đáp ứng được các yêu cầu: Có năng lực tổ chức, triển khai nhiệm vụ của Đoàn thanh tra; am hiểu về pháp luật; trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực phù hợp với nội dung cuộc thanh tra; kỹ năng, nghiệp vụ về thanh tra hành chính; kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Thứ ba, đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong đó cần đánh giá, khảo sát, nghiên cứu sâu sắc các nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc trong xã hội đang nổi lên, từ đó xác định rõ vấn đề, nội dung phải thanh tra.
Thứ tư, nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra đảm bảo tính chính xác, đúng quy định pháp luật và khách quan, kịp thời, nghiêm minh, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi; ban hành kết luận thanh tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo đúng thời gian quy định.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra (một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả của cuộc thanh tra). Thực hiện công khai, minh bạch kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Đồng thời, có biện pháp cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện kết luận thanh tra mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần.
Chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, nâng cao chất lượng các kiến nghị qua hoạt động thanh tra, đồng thời chủ động thực hiện thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
PV