Cụ thể, tại Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường cho biết, vừa phối hợp với Công an TP Thanh Hóa kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh vàng bạc Ngọc Minh (ở 47 Cao Thắng, phường Lam Sơn) thuộc Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Ngọc Minh TH, do bà Phan Thị Tú Oanh (SN 1977) làm chủ.
Lực lượng chức năng tạm giữ 27 sản phẩm là trang sức màu vàng, bạc có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu một số thương hiệu nổi tiếng như Cartier, Hermes, Chanel, BVLGARI, Louis Vuitton. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là hơn 250 triệu đồng.
Tiếp đến, kiểm tra tại cửa hàng vàng bạc Kim Chung - Công ty TNHH thương mại vàng bạc Kim Chung, có địa chỉ tại 219 Lê Hoàn, Phường Lam Sơn. Đây là một trong những cửa hàng nổi tiếng nhất Thanh Hóa về đồ trang sức. Tang vật thu giữ gồm lắc tay Chanel, versace, dior... Tổng trị giá hàng hoá vi phạm 195.466.000 đồng.
Trước đó, hồi đầu tháng Tư, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra 2 cửa hàng trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, phát hiện doanh nghiệp này đang bày bán các sản phẩm trang sức kim loại vàng, kim loại bạc, đá các loại. Trong đó, có 6 sản phẩm gồm bông tai, vòng tay, mặt dây chuyền, nhẫn mang nhãn hiệu Chanel và 3 sản phẩm gồm vòng tay, mặt dây chuyền mang nhãn hiệu LV (Louis Vuitton) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Lô hàng có trị giá khoảng 67 triệu đồng.
Trong khi đó, theo thông tin Cục QLTT TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng Cục QLTT, UBND TP.HCM về thực hiện các giải pháp và tăng cường các biện pháp về thị trường vàng.
Cục QLTT TP.HCM đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn. Theo đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi thuộc thẩm quyền, nhất là các hành vi buôn lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu…
QLTT đã tạm giữ 719 đơn vị các sản phẩm các mặt hàng là dây chuyền, lắc đeo tay, nhẫn, mặt dây chuyền… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) để thử nghiệm các định trọng lượng, hàm lượng vàng với giá trị hơn 1,3 tỉ đồng.
Đáng nói, các cửa hàng bán vàng giả các thương hiệu lớn không ngừng nỗ lực tìm kiếm và áp dụng những công nghệ mới nhất để làm giả một cách tinh vi hơn. Các đối tượng buôn bán vàng giả sử dụng máy móc hiện đại để tạo ra những chiếc nhẫn, vòng, hoặc các sản phẩm khác có hình dáng và trọng lượng gần như tương đương với vàng thật với các nhãn hiệu lớn như Chanel, PNJ,…
Trước tình trạng này, nhiều cửa hàng vàng uy tín đã phải tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Các thiết bị kiểm tra vàng hiện đại như máy đo tuổi vàng, máy quang phổ huỳnh quang tia X đã được sử dụng rộng rãi hơn để đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, các đối tượng buôn bán vàng giả cũng không ngừng nâng cao kỹ thuật làm giả của mình, khiến cuộc chiến chống vàng giả trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Lời khuyên chuyên gia đối với người tiêu dùng, để tránh mua phải vàng giả, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vàng và các dấu hiệu nhận biết vàng giả. Một số cách đơn giản như kiểm tra dấu hiệu khắc trên vàng, sử dụng nam châm để kiểm tra tính từ tính, hoặc đơn giản hơn là mua vàng tại các cửa hàng uy tín, có giấy tờ chứng nhận rõ ràng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ đoạn làm giả vàng mới nhất để có thể nhận diện và phòng tránh kịp thời. Đồng thời, việc kiểm tra và xác minh thông tin từ nhiều nguồn trước khi quyết định mua vàng cũng rất quan trọng.
Theo các chuyên gia, sự hợp tác chặt chẽ giữa người tiêu dùng và các cơ quan chức năng là yếu tố then chốt trong việc giải quyết vấn đề vàng giả trên thị trường. Người tiêu dùng cần thông tin và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng về những biện pháp phòng tránh và nhận biết vàng giả, đồng thời cũng cần tích cực báo cáo và phản ánh những hành vi buôn bán vàng giả một cách nhanh chóng và chính xác. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, giám sát chặt chẽ và có các biện pháp xử lý nghiêm túc đối với các cửa hàng và cá nhân có hành vi buôn bán vàng giả.
Hà Châu