Từ đầu năm 2024 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ liên ngành ATTP tỉnh đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện công tác bảo đảm ATTP. Theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành soạn thảo, tham gia góp ý kiến sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về ATTP; tự rà soát, phối hợp xây dựng, hoàn thiện, ban hành văn bản liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATTP phù hợp với đặc thù của địa phương, theo đúng quy định pháp luật.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới được tăng cường. Nổi bật là công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên ở tất cả các cấp, từ đó giúp nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, người SXKD, người tiêu dùng về ATTP. Từ đầu năm 2024 đến nay, các ngành chức năng, địa phương đã tổ chức giám sát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với 13.785 tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm; qua đó phát hiện 1.173 tổ chức, cá nhân, vụ vi phạm quy định về ATTP, phạt hơn 8,5 tỷ đồng, không để tồn tại các điểm nóng về vi phạm ATTP. Hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều kiện ATTP, nhãn thực phẩm...
Tăng cường CCHC, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bảo đảm ATTP, năm 2024 toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết đúng quy trình, đúng thời hạn 965 hồ sơ TTHC về ATTP. Các sở, cơ quan chuyên ngành lĩnh vực ATTP triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, xử lý công việc, báo cáo, nhất là tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo lĩnh vực, ngành quản lý. Riêng lĩnh vực NN&PTNT, tiếp tục duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin 1.332 tài khoản và 2.489 mã QR-Code cho các nông sản, thủy sản toàn tỉnh.
Tỉnh hiện có 63 vùng trồng được cấp mã số phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; 9 cơ sở đóng gói. Các địa phương tiếp tục duy trì sản xuất an toàn với 27 cơ sở diện tích 322,35ha, 1 cơ sở NTTS diện tích 0,405ha, 2 trang trại chăn nuôi, 39 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các chứng nhận khác tương đương; 1 cơ sở 329ha quế được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 694 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản tự xây dựng, áp dụng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), quy trình vận hành tiêu chuẩn vệ sinh (SSOP), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP)...; 133 chợ, 561 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, 6 cơ sở giết mổ tập trung được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y ATTP.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu… tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các phường, xã tăng cường các hoạt động truyền thông về ATTP với đa dạng hình thức. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức 347 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho cán bộ, quản lý, chủ các cơ sở và người tham gia SXKD thực phẩm; duy trì đường dây nóng của các ngành Y tế (0981.815.815), Công Thương (0904.055.779 - 0984.696.866), NN&PTNT (02033.634.222) để tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến vi phạm ATTP. Năm 2024 toàn tỉnh đã công khai danh sách 698 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm về ATTP trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh.
Nguyễn Hoa