TikTok đã chính thức yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại và hủy bỏ lệnh cấm

Quyền Trung
(SHTT) - TikTok vừa qua đã yêu cầu Tòa án Tối cao tạm thời ngăn chặn một đạo luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn này trước ngày 19/1, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động.

TikTok và ByteDance đã đệ đơn khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ để xin lệnh tạm thời dừng việc áp dụng điều luật có thể dẫn đến lệnh cấm ứng dụng mạng xã hội này, vốn có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ. Động thái này diễn ra trong lúc họ kháng cáo phán quyết từ tòa cấp dưới ủng hộ luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Một nhóm người dùng TikTok tại Mỹ cũng nộp đơn yêu cầu tương tự vào 16/12.

Luật trên được Quốc hội thông qua vào tháng 4 đã phản ánh quan ngại an ninh từ chính quyền Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp lập luận rằng TikTok, với tư cách là một công ty Trung Quốc, có thể gây ra “mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ lớn”, do khả năng thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng Mỹ, bao gồm vị trí, tin nhắn cá nhân và khả năng thao túng nội dung người Mỹ xem trên ứng dụng.

Tòa Phúc thẩm Liên bang tại Quận Columbia vào ngày 6/12 đã bác bỏ lập luận của TikTok rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ.

1

Trong hồ sơ gửi Tòa án Tối cao, TikTok và ByteDance lập luận rằng người Mỹ có quyền tự quyết định sử dụng TikTok. “Nếu người Mỹ, khi đã được thông báo đầy đủ về những rủi ro bị cáo buộc, vẫn chọn xem nội dung trên TikTok, thì Tu chính án thứ nhất trao cho họ quyền lựa chọn đó mà không bị chính phủ kiểm duyệt”, các công ty nhấn mạnh.

TikTok cảnh báo rằng việc đóng cửa nền tảng, ngay cả trong một tháng, có thể khiến họ mất một phần ba người dùng tại Mỹ và làm suy yếu khả năng thu hút quảng cáo, tuyển dụng nhân tài và hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung.

Tự mô tả là một trong những “nền tảng phát biểu quan trọng nhất” tại Mỹ, TikTok khẳng định không có mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách nào và việc trì hoãn thực thi luật sẽ giúp Tòa án Tối cao có thời gian xem xét tính pháp lý của lệnh cấm. Đồng thời, TikTok tin rằng chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người nhậm chức vào ngày 20/1, có thể đánh giá lại luật này.

Ông Trump, người từng cố gắng cấm TikTok vào năm 2020 nhưng không thành công, đã thay đổi lập trường và hiện cam kết bảo vệ ứng dụng này trong chiến dịch tranh cử. Khi được hỏi vào thứ Hai về việc ông sẽ làm gì để ngăn chặn lệnh cấm, Trump trả lời rằng ông “có một tình cảm đặc biệt dành cho TikTok” và sẽ “xem xét vấn đề này”.

TikTok và ByteDance yêu cầu Tòa án Tối cao đưa ra quyết định trước ngày 6 tháng 1 để có đủ thời gian chuẩn bị thực hiện “nhiệm vụ phức tạp là đóng cửa ứng dụng” trong trường hợp đơn khẩn cấp bị từ chối.

Người phát ngôn của TikTok, Michael Hughes, phát biểu sau khi nộp đơn rằng: “Chúng tôi yêu cầu tòa án thực hiện đúng vai trò của mình trong các vụ án liên quan đến quyền tự do ngôn luận: áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ nhất đối với bất kỳ lệnh cấm nào nhắm vào ngôn luận và kết luận rằng lệnh cấm này vi phạm Tu chính án thứ nhất”.

Trong phán quyết của mình, Tòa Phúc thẩm D.C. Circuit đã nêu rõ: “Tu chính án thứ nhất được thiết lập để bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, chính phủ hành động nhằm bảo vệ quyền tự do đó khỏi một quốc gia đối địch nước ngoài và hạn chế khả năng thu thập dữ liệu về người dân Hoa Kỳ của đối thủ đó”.

Theo quy định của luật, việc cung cấp các dịch vụ cụ thể cho TikTok và các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát sẽ bị cấm, bao gồm cả việc phân phối thông qua các cửa hàng ứng dụng như Apple và Google của Alphabet. Điều này đồng nghĩa với việc TikTok sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Hoa Kỳ trừ khi ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trước thời hạn được đặt ra.

Lệnh cấm này có thể mở ra tiền lệ cho các hành động tương tự của chính phủ Hoa Kỳ đối với các ứng dụng nước ngoài khác trong tương lai. Trước đây, vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm WeChat, ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent (Trung Quốc), nhưng lệnh cấm này sau đó đã bị tòa án gỡ bỏ.

Hoàng Kim