Phát huy thế mạnh kinh tế biển của Thành phố Cẩm Phả

Quyền Trung
Ngành kinh tế biển được TP Cẩm Phả xác định là một trong 4 trụ cột phát triển. Do đó, thời gian qua, thành phố đã dành nhiều nguồn lực nhằm tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả tiềm năng biển, đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương.

Nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế biển, thời gian qua, TP Cẩm Phả đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và kế hoạch triển khai. Trong đó, ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Cẩm Phả đã ban hành nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với quan điểm nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và hậu cần cảng biển là các ngành kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1

 Bãi tắm TTP tại TP Cẩm Phả thu hút người dân và du khách.

Song song với đó, thành phố không ngừng kêu gọi, thu hút, đầu tư để phát triển ngành du lịch, dịch vụ biển. Đến nay, hàng loạt dự án đã được triển khai đi vào hoạt động như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, bến thủy nội địa Vũng Đục, đường dẫn vào khu du lịch Vũng Đục… Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số bãi tắm là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách như: Bãi tắm Quảng Hồng, bãi tắm Lương Ngọc, bãi tắm TTP… Để “đánh thức” tiềm năng du lịch của vịnh Bái Tử Long nói riêng và du lịch biển nói chung, TP Cẩm Phả cũng đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và đưa vào hoạt động một số sản phẩm du lịch trên vịnh như: Chèo thuyền kayak, tắm biển, thăm các làng chài, tìm hiểu văn hóa truyền thống của ngư dân, thưởng thức các loại hải sản... nhằm phát triển du lịch biển.

Cùng với phát triển cảng biển, du lịch, thời gian qua, TP Cẩm Phả cũng xác định công tác quản lý và phát triển bền vững thủy sản trên biển là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, thành phố đã thường xuyên kiểm điểm, đánh giá công tác quản lý đất nuôi trồng thủy sản; quản lý tuyến biển; quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi hợp quy thân thiện với môi trường...

2

 Nhân viên Công ty CP Môi trường Cẩm Phả thu gom rác thải trên biển.

Đặc biệt, Cẩm Phả là một trong số địa phương đi tiên phong trong việc chấm dứt việc nuôi trồng thủy sản không phép, trái phép trên biển. Trong đó, thành phố phân công trực tiếp 1 đồng chí Phó Chủ tịch thường trực chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình NTTS không phép trên biển; tích cực rà soát cụ thể các khu vực NTTS, xây dựng kế hoạch di dời lồng, bè, mảng NTTS trái phép, vận động người dân chủ động tháo dỡ để trả lại mặt nước biển. Các phường, xã, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mọi di biến chuyển của các bè mảng trái phép trên biển; ra quân đồng loạt tháo dỡ, di dời hoặc tiêu hủy lồng bè nuôi trái phép; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc để tình trạng NTTS trái phép xảy ra. Đặc biệt, thành phố đã nhiều lần đối thoại với các tổ chức, cá nhân NTTS trái phép, qua đó tuyên truyền, vận động, tháo gỡ vướng mắc.

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, thành phố đã tháo dỡ 175 hộ vi phạm nuôi ngoài vùng quy hoạch, đồng thời, di dời đưa vào địa điểm tập kết của thành phố với tổng số 4.699 dây nuôi hàu, 2.466 mảng tre. Tính đến ngày 31/3/2023, toàn bộ các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn đã được tháo dỡ. Trên cơ sở đó, thành phố đã tổ chức giao tạm thời mặt biển cho các phường, xã có biển quản lý và tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc nuôi trồng thủy sản trái phép phát sinh.

Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thành phố và các phường, xã thường xuyên đồng loạt ra quân triển khai đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển; chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi thân thiện với môi trường; thu gom phao, xốp, mảng tre trôi nổi và dạt vào bờ, núi đá đưa vào các địa điểm tập kết của thành phố hằng tuần.

Đặc biệt, hiện thành phố thiết lập 21 khu vực nuôi biển thuộc 7 phường, gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Đông, Cẩm Sơn với tổng diện tích 2.476,1ha để tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ cao, vật liệu nổi thân thiện môi trường, doanh nghiệp chuyển đổi số để nuôi trồng thủy sản.

TP Cẩm Phả đang phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục triển khai dự án cảng số 01 thuộc cụm Cảng Mông Dương - Khe Dây tại phường Mông Dương đồng bộ, hiện đại, thống nhất. Dự án có tổng diện tích trên 378.000m2 gồm: Khu mặt bến cảng, khu văn phòng điều hành, công trình phụ trợ… Công suất thiết kế của cảng là 8 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đồng thời, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 2.000 tấn, qua đó, thúc đẩy kinh tế biển của địa phương và tỉnh Quảng Ninh.

Cao Quỳnh