Nhức nhối vấn nạn tự phong chất lượng sản phẩm

Quyền Trung
Quảng cáo là kênh giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận những sản phẩm mới phù hợp nhu cầu và thị hiếu, đồng thời, có nhiều lựa chọn khác nhau trong mua sắm. Song quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng quá mức gây nhầm tưởng cho người dùng hiện tại không phải là hiếm.

Ma trận những lời có cánh


Quảng cáo trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc với hầu hết người dùng Internet qua các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Tiktok hay Google. Doanh thu khổng lồ hàng năm của quảng cáo trực tuyến phần nào cho thấy sự phổ biến cũng như tốc độ tăng trưởng, sức ảnh hưởng của loại hình quảng cáo này.


Các nội dung quảng cáo trên môi trường số thực sự có tác động tới nhận thức và hành vi của người dùng. Tuy nhiên, chính vì hoạt động trên mạng nên ngày càng có nhiều quảng cáo tràn lan với các hình thức khiến người xem khó chịu, nội dung nhảm nhí, cắt ghép không đúng sự thật, lấy hình ảnh chính trị gia, bác sĩ, người nổi tiếng để tăng mức độ uy tín, thậm chí là có những hình ảnh rất dung tục, phản cảm.

Sản phẩm xịt chống sâu răng midkid được quảng cáo là thương hiệu xịt chống sâu răng số 1. Ảnh chụp màn hình
Sản phẩm xịt chống sâu răng midkid được quảng cáo là thương hiệu xịt chống sâu răng số 1. Ảnh chụp màn hình


Trong khi đó, Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, phóng đại, phản cảm, thiếu thẩm mỹ.... Mặc dù vậy, các vi phạm về đạo đức trong quảng cáo vẫn diễn ra liên tục, hoặc tìm cách luồn lách câu từ nhằm qua mặt cơ quan chức năng.


Không khó để thấy thị trường quảng cáo luôn rôm rả với mọi sự cạnh tranh về những cái “nhất” trong sản phẩm của mình. Sản phẩm “con đẻ” mình tạo ra nhà sản xuất nào chẳng cho là nó tốt nhất, tối ưu nhất và tất nhiên việc càng đưa đến tay nhiều người thì lợi nhuận càng lớn, nên nó có không “nhất” thì cũng không thể là nhì trong các bài quảng cáo.


Thế nhưng câu chuyện chất lượng và công dụng “con đẻ” của nhà sản xuất khi đưa thông tin đến người dùng thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Việc quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm là những hành vi kinh doanh thiếu đạo đức và thiếu trách nhiệm với xã hội.


Quảng cáo sai sự thật là vi phạm pháp luật. Nhưng quảng cáo sai lệch về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì nguy hại hơn gấp nhiều lần bởi nó tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người. Bởi theo quy định của Luật Dược, tất cả các thuốc trước khi quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được dùng các từ như: hàng đầu, số 1, tốt nhất, điều trị tận gốc, khỏi hẳn, đảm bảo 100%. Không được sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế để khuyên dùng thuốc. Mức xử phạt cũng đã được quy định lên tới hàng trăm triệu đồng.


Cần xử nghiêm hành vi tự phong chất lượng


Để có thể đánh giá được bức tranh muôn hình, muôn vẻ của “miếng bánh” béo bở của quảng cáo trực tuyến, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư đã tiến hành khảo sát trên một số nền tảng xã hội, chúng tôi ghi nhận thực trạng để thu hút người mua, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã cố tình phóng đại công dụng, giá trị của sản phẩm khiến người tiêu dùng bức xúc, thậm chí mất tiền oan vì tin vào những lời quảng cáo “có cánh”. Trong số đó, có thông tin sản phẩm xịt chống sâu răng midkid của Công ty cổ phần dược phẩm MID có địa chỉ theo như đăng tải trên website: https://www.midkid.vn/ tại: số 803B Huyền Kỳ, tổ 8, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trụ sở giao dịch của Công ty Cổ phần dược phẩm MID. Ảnh PV
Trụ sở giao dịch của Công ty Cổ phần dược phẩm MID không gắn biển tên. Ảnh PV


Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận doanh nghiệp này đã chuyển về địa chỉ số 10, đấu giá 11, Khu đô thị Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Theo quan sát, trước trụ sở của doanh nghiệp này không gắn biển tên Công ty Cổ phần Dược phẩm MID, chỉ thấy biển tên của 2 công ty là: Công ty Cổ phần Truyền thông MID Media và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và Dịch vụ ngoại thương.

Còn tại website https://www.midkid.vn/, sản phẩm xịt chống sâu răng midkid được giới thiệu sản phẩm xịt chống sâu răng là thương hiệu xịt chống sâu răng số 1; sự lựa chọn “số 1” của hàng triệu trẻ em Việt Nam; sản xuất ở nhà máy dược phẩm uy tín số 1 Việt Nam.

Trên website quảng cáo sản phẩm midkid là lựa chọn số 1 của hàng triệu trẻ em Việt Nam. Ảnh chụp màn hình
Trên website quảng cáo sản phẩm midkid là lựa chọn số 1 của hàng triệu trẻ em Việt Nam. Ảnh chụp màn hình


Theo Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định: Quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định là hành vi bị cấm.


Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.


Ngoài ra, việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số 1” mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.


Không chỉ có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo, việc tự cho các sản phẩm mình là “số 1” của xịt chống sâu răng midkid của Công ty Cổ phần Dược phẩm MID cũng có thể dễ gây sự nhầm lẫn đối với khách hàng và cũng có thể dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh.

Vi phạm quảng cáo. Ảnh chụp màn hình
Quảng cáo trên website của công ty dễ gây sự nhầm lẫn đối với khách hàng, dẫn đến sự  cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp . Ảnh chụp màn hình


Bởi theo khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm nêu rõ: "Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác”.


Bên cạnh đó, website nay còn dùng cả hình ảnh của y, bác sĩ để quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm ở mục "Chuyên gia nói gì về midkid" với video đăng tải hình ảnh PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Tấn Văn - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cùng nhiều chia sẻ của các phụ huynh….

kkk
Ảnh chụp màn hình website https://www.midkid.vn/


Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.


Để có thông tin khách quan, đa chiều phục vụ hiệu quả công tác khảo sát, nghiên cứu, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư đã liên hệ đặt lịch với phía Công ty Cổ phần Dược phẩm MID. Tuy nhiên, đã gần 2 tuần trôi qua, phía Công ty không hề có bất kỳ câu trả lời, hay thông tin phản hồi lại cho chúng tôi.


Quảng cáo sai sự thật là một hành vi lừa dối khách hàng. Mặc dù đã có những quy định xử phạt, thậm chí hành vi quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên việc quảng cáo sai sự thật vẫn luôn tồn tại. Vậy nên các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để xử lý nghiêm hơn nữa vi phạm này./.

Anh Thư