Cần có thêm cơ sở khoa học thuyết phục hơn về việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường

Quyền Trung
Tại Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường” diễn ra sáng 17/10, các ĐBQH, chuyên gia cho rằng, cần có cơ sở đánh giá khoa học cũng như có những bằng chứng thuyết phục hơn nữa về việc áp thuế hay không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

a1-1729216928.jpeg

Các chuyên gia nêu ý kiến về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường.

 

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới. Điều đáng chú ý trong việc sửa đổi Luật lần này là Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe Nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, trong dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Áp thuế TTĐB không làm giảm nguy cơ thừa cân béo phì

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) phân tích, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất áp thuế TTĐB với mức thuế suất 10% đối với nước giải khát có đường nhằm mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì.

a2-1729216928.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

 

Tuy nhiên, đề xuất này chưa có đánh giá tác động toàn diện, thiếu luận cứ rõ ràng; chưa cung cấp các luận cứ và minh chứng khoa học rõ ràng và được kiểm chứng về mức độ tác động của việc sử dụng nước giải khát có đường tới tình trạng bệnh thừa cân béo phì ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, thừa cân béo phì là căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất, yếu tố nội tiết, di truyền,… Trong khi trên thị trường còn có nhiều sản phẩm thực phẩm và đồ uống có chứa đường, nhưng không thuộc khái niệm quy định tại TCVN này- TS. Nguyễn Minh Thảo thông tin.

aaa-1729217074.jpg

Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà

 

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường cần phải có các bằng chứng khoa học rõ ràng. Có rất nhiều yếu tố gây nên thừa cân béo phì: chế độ dinh dưỡng, ít vận động, các bệnh khác…, trong đó, nước giải khát có đường chỉ là một nguyên nhân. Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không giảm được nguy cơ thừa cân béo phì. Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rất rõ điều này- bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

“Đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường cần có bằng chứng thuyết phục, đánh giá toàn diện, đảm bảo công bằng, trong báo cáo thiếu hẳn đánh giá về y tế”- bà Hà nêu rõ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch Ủy ban quan hệ Doanh nghiệp & Pháp Chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát băn khoăn, trước đây sữa - một mặt hàng dinh dưỡng quan trọng, từng được đưa vào mặt hàng chịu thuế, hiện đã được bỏ ra khỏi danh mục này. Còn nước giải khát có đường hiện được coi là nguyên nhân gây thừa cân bệnh béo phì, nhưng thực tế béo phì còn do nhiều nguyên nhân khác. Vậy, một số nhóm sản phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, bánh trung thu thì có bị đánh thuế hay không?- ông Hưng đặt câu hỏi.

a3-1729216928.jpg

Các chuyên gia cho rằng, ngành đồ uống, ngành nước giải khát là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách

 

Tác động tiêu cực đến nền kinh tế về trung và dài hạn

Nghiên cứu của CIEM cho thấy, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế về trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, nguồn thu ngân sách từ thuế gián thu có thể tăng nhưng ở các chu kỳ tiếp theo khi doanh nghiệp ngành nước giải khát và các ngành khác trong quan hệ liên ngành thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận. Kéo theo đó ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế, đồng thời ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.

Cụ thể, quy mô sản xuất của doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; Giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành NGK đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng.

Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng; thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng. Với phương án áp thuế này, kết quả phân tích của CIEM cho thấy, năm đầu tiên áp thuế (năm 2026) ước tính nguồn thu từ thuế gián thu tăng 0,853%. Nhưng đến chu kỳ tiếp theo (chu kỳ sau 1 năm), nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Và các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.

Có thể thấy, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Hơn nữa, thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, ngành nước giải khát là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành nước giải khát càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp ngành nước giải khát. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, CIEM đề xuất: Cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục;

Để điều tiết hành vi tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng đồng thời nhiều công cụ quản lý khác nhau. Trong đó, một trong những công cụ quan trọng là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; Cần sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường.

CIEM cũng đề xuất Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA) cần chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo Luật; Các hiệp hội cũng cần hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm; kịp thời thể hiện quan điểm chính sách; phản ánh vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp ngành nước giải khát, CIEM kiến nghị: cần đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ; đồng thời cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tiết giảm chi phí.

PV