Người Việt đầu tiên xuất khẩu drone sang Mỹ

Quyền Trung
Vượt qua những cạnh tranh khốc liệt của ngành drone, TS Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành của RealTime Robotics Inc (RtR) đã thành công xuất khẩu drone vào thị trường Mỹ nhờ tự chủ phát minh và chế tạo.

Thành công bằng việc lựa chọn con đường đầu tư chất xám thay vì tìm cách hạ giá thành sản phẩm, TS. Lương Việt Quốc và đội ngũ RtR đã giải bài toán về sức nâng của máy bay không người lái (drone). Qua đó, đem lại nhiều giá trị cho người dùng đồng thời khẳng định trí tuệ Việt trên trường quốc tế.

Khởi nghiệp với công nghệ cao

Lựa chọn drone để khởi nghiệp, TS Lương Việt Quốc nhận định đây là ngành có tương lai rộng mở vì drone sử dụng trong nhiều ngành khác nhau.

IMG_4531

Drone Hera trưng bày tại triển lãm SOFIC 2022 tại Tampa, Mỹ. Ảnh: NVCC

Nếu như trong nông nghiệp, drone thường dùng để khám chữa bệnh cho cây trồng, thì trong công nghiệp drone dùng để kiểm định cơ sở hạ tầng, các đường điện cao thế, quản lý địa chính, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và kể cả việc giữ gìn an ninh trật tự, quân sự.

Tại Việt Nam, ngành drone được xem là mới vì chưa có nhiều nhân sự đủ chuyên môn trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành drone đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Drone là một ngành mới có nhiều tiềm năng ứng dụng nhưng đi cùng với nó cũng là những thách thức dành cho người “khai phá”.

Nhìn thấy cơ hội lớn từ những thách thức lớn, TS Quốc bắt tay vào giải bài toán thiếu nguồn nhân lực về ngành drone cho chính mình và Công ty RealTime Robotics Inc (RtR) do mình sáng lập.

HERA

Drone Hera chuẩn bị bay thử nghiệm tại Colorado (Mỹ). Ảnh: NVCC

Theo TS Quốc, những năm đầu thành lập công ty có thể nói là quãng thời gian học việc, đội ngũ quản lý cũng phải tìm hiểu và học về ngành drone để có đủ kiến thức đào tạo cho những kỹ sư mới.

“Trong thời gian đầu, mình phải mua thiết bị hãng drone khác trên thế giới về dùng, sau đó tìm hiểu xem họ chế tạo như thế nào, tích lũy kiến thức về ngành này. Bên cạnh đó, phải biết ngành drone đang có những giới hạn nào về công nghệ mà hiện tại các công ty chưa thể giải quyết, người dùng cần những tính năng gì mà các nhà cung cấp drone chưa đáp ứng được”, TS Quốc nói.

Qua 3 năm tìm hiểu về ngành drone, TS Quốc và đội ngũ đã có thể hiểu sâu về mặt kỹ thuật lẫn nhu cầu của người dùng, kể cả những điều các đối thủ trên thế giới đã làm được và chưa làm được. Từ đó, đội ngũ công ty RtR có đủ nội lực để chế tạo cái riêng của mình. Minh chứng rõ rệt cho điều trên là vào cuối năm 2022, chiếc drone có tên Hera đã cất cánh ở bang Colorado thuộc miền trung nước Mỹ.

Chia sẻ về những điều thú vị khi khởi nghiệp, TS Quốc nói rằng khi kêu gọi đầu tư về công nghệ cao để làm mảng phần cứng, tương tự như tivi hay điện thoại thì đều được các nhà đầu tư trả lời “không có làm rẻ bằng Trung Quốc được đâu”.

TS Quốc cho rằng khi làm về công nghệ cao, không nhất thiết phải làm rẻ hơn Trung Quốc. Việc chọn đi theo con đường cạnh tranh về giá cũng là một cách nhưng không phải là con đường duy nhất. Thay vào đó, TS Quốc chọn cách phát minh, sáng chế để tạo ra sản phẩm có nhiều tính năng mới, ưu việt hơn và nâng cao giá trị sản phẩm.

Giải bài toán về sức nâng cho drone

TS Quốc kể rằng quá trình nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường là những lần “trầy trật” với nhiều bản vẽ và sản phẩm mẫu bị bỏ đi. Drone Hera của RtR ra đời đã làm dậy sóng giới công nghệ trong ngành drone bởi những tính năng về sức nâng và không gian so với các drone khác trong việc tìm kiếm, cứu nạn, trinh sát…

So với tất cả drone cùng kích cỡ, cùng phân khúc, Hera của đội ngũ RtR đủ nhỏ gọn để chứa trong cả ba lô cá nhân, một người có thể mang sau lưng. Nếu drone của các công ty khác nâng được 2kg (không kể khối lượng drone) thì Hera do đội ngũ RtR chế tạo nâng được 15kg, gấp hơn 7 lần.

TS Quoc

TS Lương Việt Quốc (bên phải) và ông VonLunen - Giám đốc điều hành Công ty RMUS (Mỹ) - nhà phân phối Hera tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Liên quan đến không gian trên drone, những chiếc drone trên thế giới có đủ không gian để lắp được một tải (tải được hiểu có thể là camera, thiết bị thu thập dữ liệu - PV). Thường các drone chỉ mang được 1 camera dưới bụng, với Hera có thể mang được 4 camera, mỗi camera có tầm nhìn 360 độ giúp tăng năng suất làm việc gấp 3 đến 4 lần.

“Nhiều công việc đòi hỏi có các camera khác, nếu các drone chỉ có 1 tải thì phải di chuyển 3 - 4 chuyến để đổi camera, với Hera do đội ngũ RtR sáng chế chỉ cần bay một chuyến”, TS Quốc tự tin khằng định.

Vào tháng 12/2022, những chiếc drone Hera đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ. Với những sự khác biệt và có nhiều tính năng, Hera được bán với giá cao lên đến 40.000 USD/chiếc. Theo TS Quốc, lần đầu tiên có công ty Việt Nam sản xuất hàng công nghệ cao dựa trên phát minh của mình, do mình thiết kế, chế tạo, xuất khẩu qua mỹ với giá cao hơn hàng ở Mỹ, phục vụ cho ngành cảnh sát, kiểm định hạ tầng, trong đó kiểm định đường điện cao thế.

Phần lớn bộ phận quan trọng của HERA như thân vỏ, cánh tay, các cơ cấu để khóa, bo mạch, phần mềm điều khiển đều do kỹ sư của RtR tự thiết kế và chế tạo. “Nhìn một cách tổng thể, tỷ lệ mà công ty tự thiết kế và tự chế tạo lên đến 90%. Phát minh của mình đã đăng ký sở hữu trí tuệ toàn cầu, do chính tay người Việt thiết kế, người Việt chế tạo”, TS Quốc tự hào nói.

Phải luôn duy trì được tốc độ phát minh

Nói về thị trường trong nước, theo TS Quốc, Việt Nam còn nhiều rào cản về thủ tục. Khi nhập các thiết bị công nghệ cao để làm máy bay không người lái vào Việt Nam cần tốn nhiều thời gian để xin giấy phép, chưa kể có một số loại thiết bị hạn chế xuất khẩu qua Việt Nam. Trong khi đó tại Mỹ, các thiết bị này có thể mua và thí nghiệm dễ dàng.

Bên cạnh đó là việc thiếu tầm nhìn và thiếu nhận định kịp thời về những sản phẩm mà thế giới đang cần. Do điều kiện khách quan ít tiếp xúc, ít va chạm khi nhìn ra thị trường thế giới nên khó xác định sản phẩm, tính năng mà thế giới đang cần để tập trung nghiên cứu về drone.

Tại Việt Nam, lợi thế cạnh tranh lớn nhất vẫn là nguồn tài năng chất xám, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư đủ giỏi. Minh chứng cho thấy toàn bộ sản phẩm của công ty ngày nay xuất khẩu qua Mỹ hoàn toàn 100% là trí tuệ Việt phát minh, thiết kế đến chế tạo.

Theo TS Quốc, khi đã làm về công nghệ thì phải duy trình được tốc độ phát minh để đi trước đối thủ, chứ không đơn thuần là việc phát minh ra drone Hera rồi dừng lại. Do đó, sau khi phát minh ra Hera, đội ngũ RtR tiếp tục nghiên cứu ra 5 phát minh khác. TS Quốc bật mí RtR hiện có 5 phát minh trong ngành drone đang nộp đơn và dự báo sẽ có nhiều đột phá.

Drone là một trong những ngành ngày càng được ứng dụng rộng rãi kể cả quân sự và dân sự. Theo TS Quốc, drone liên quan mật thiết đến với an ninh dữ liệu, vì vậy nước nào cũng mong muốn tự chủ công nghệ này. TS Quốc cũng hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể trở thành quốc gia chế tạo drone quan trọng của thế giới.

Hiện nay, công nghệ drone vẫn chưa có trong các chương trình đào tạo chuyên biệt ở Việt Nam. Gần đây, một số trường đại học cũng cân nhắc mở các chương trình hẹp về ngành này. Các ngành như điện tử, viễn thông, cơ khí, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, kỹ sư của những ngành này có thể chuyển qua nghiên cứu và chế tạo drone.

Câu chuyện thành công của công ty RtR là minh chứng cho việc người Việt hoàn toàn đủ khả năng để có thể phát minh, từ đó có thể thiết kế, chế tạo ra sản phẩm đứng đầu thế giới, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao, một ngành mới hoàn toàn như drone tại Việt Nam.

“Để đưa Việt Nam phát triển từ quốc gia trung bình lên thành quốc gia phát triển cần đi qua con đường phát minh sáng chế, và người Việt đủ sức làm chuyện đó”, TS Quốc nói.