Ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát sau Tết

Quyền Trung
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình dịch bệnh trong nước nói chung và tại Quảng Ninh nói riêng diễn biến khó lường. Vì vậy, ngành y tế tỉnh đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống hiệu quả, tránh để dịch bệnh bùng phát.

Những ngày qua tại miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh đang trong đợt rét đậm, nhiệt độ xuống thấp, chính vì vậy trẻ em và người già, đặc biệt là những người có bệnh nền, mắc các bệnh truyền nhiễm, cúm mùa... gia tăng, phải nhập viện nhiều. Thông tin từ CDC Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 923 ca mắc cúm, giảm 22 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024 và tăng hơn so với số ca mắc ghi nhận trong tháng 12/2024. Sự gia tăng ca mắc cúm trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với diễn biến dịch bệnh và tính chất dịch tễ của bệnh cúm trong năm.


Bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bãi Cháy) thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm mùa.

Cúm mùa là bệnh lý cấp tính do nhiễm vi rút cúm tuýp A hoặc B, C gây ra. Bệnh dễ lây lan từ người sang người và gây ra các triệu chứng như sốt đột ngột, ho, nhức đầu, đau cơ, khớp, đau họng, chảy nước mũi... và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như viêm phổi, viêm não, suy tim cấp, viêm phế quản… hay làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mạn tính như hen suyễn, đái tháo đường, COPD… thậm chí có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.

Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Vắc-xin cúm giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại các chủng vi rút cúm phổ biến, giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nghiêm trọng. Người cao tuổi và những người có bệnh nền nên tiêm vắc-xin cúm hằng năm.

Ngoài bệnh cúm, Quảng Ninh cũng tăng cường giám sát bệnh sởi. Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay đơn vị đã giám sát 50 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 32 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi. Riêng tại TP Hạ Long, tính đến hết ngày 7/2 đã ghi nhận 16 ca dương tính với vi rút sởi; đặc biệt ghi nhận chùm ca bệnh tại khu 8, phường Hà Phong (khu tái định cư làng chài) với 16 ca mắc. Để tăng cường phòng bệnh, Trạm Y tế phường Hà Phong đã triển khai tiêm vắc-xin phòng sởi cho các đối tượng từ 9 tháng tuổi đến 16 tuổi đủ điều kiện tại khu 8. Qua đó đã tiêm vắc-xin sởi cho 164 trường hợp, gồm 162 trường hợp tiêm vắc-xin sởi, rubella và 2 trường hợp tiêm vắc-xin sởi đơn.


Trạm Y tế phường Hà Phong (TP Hạ Long) tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ em tại khu 8, phường Hà Phong (khu tái định cư làng chài). Ảnh: Ngọc Phượng (CDC Quảng Ninh)

Bệnh sởi dễ lây lan qua đường hô hấp từ các giọt bắn của người mắc bệnh, hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh, cần chủ động cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tiêm đủ và đúng lịch 2 mũi vắc-xin sởi.

Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền, dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc cúm mùa, sởi, sốt phát ban, ho gà, rubella, tiêu chảy... Bên cạnh đó, đây cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu đi lại của người dân lớn, tạo nên nhiều khu vực tập trung đông người, kèm theo các dịch vụ vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi... do đó, người dân cần có những biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Người dân đi lại, tham gia các lễ hội đông người cần đeo khẩu trang để đảm bảo tránh lây lan các dịch bệnh qua đường hô hấp. Đặc biệt, với những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán kịp thời và có biện pháp phòng bệnh lây lan.

Sau Tết, các cơ sở y tế của tỉnh cũng tiếp nhận đông bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, tiêu hóa, dạ dày… Nguyên nhân chủ yếu là do người dân ngại đi viện trong dịp Tết, hoặc sử dụng thuốc điều trị không đều, uống rượu, bia nhiều và ăn uống không điều độ, khoa học...

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần hạn chế sử dụng rượu, bia, chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bổ sung vào bữa ăn các loại rau xanh, trái cây, để tăng cường vitamin và chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa... Chủ động bảo vệ sức khỏe trước thời tiết nồm, ẩm để giảm thiểu nguy cơ mắc các loại bệnh về hô hấp. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, COPD…) cần đi khám lại theo lịch hẹn để bác sĩ kiểm tra, phát hiện những thay đổi bất thường, từ đó kịp thời điều chỉnh đơn thuốc, cũng như tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập, giúp giữ gìn sức khỏe và phòng tránh các biến chứng.

Nguyễn Hoa