Đặt nền móng pháp lý vững chắc: Bảo vệ quyền sáng tạo và bản sắc gốc
Trước hết, để bảo vệ các sản phẩm văn hóa truyền thống, cần có hành lang pháp lý mạnh mẽ và thực tiễn hơn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sản phẩm thủ công mang tính biểu tượng vùng miền. Nhiều nghệ nhân chia sẻ rằng họ từng chứng kiến sản phẩm của mình bị sao chép trắng trợn mà không thể làm gì, vì chưa đăng ký bản quyền hoặc không có bằng chứng pháp lý rõ ràng.
Chính quyền địa phương và các cơ quan văn hóa – sở hữu trí tuệ cần chủ động hỗ trợ các làng nghề, nghệ nhân đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, quyền liên quan, để mỗi sản phẩm truyền thống không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn có “lá chắn pháp lý”. Việc này không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ ràng trong thị trường trong nước và quốc tế.
Điển hình, làng gốm Bát Tràng đã thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gốm Bát Tràng” và hiện đang trong quá trình hoàn thiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gốm truyền thống. Đây là ví dụ cho thấy khi quyền sở hữu được đảm bảo, nghệ nhân có thể yên tâm phát triển sản phẩm sáng tạo mà không lo bị sao chép hay đánh cắp ý tưởng.
Sáng tạo không phải là đánh mất, mà là làm sống lại văn hóa
Nhiều người từng lo lắng rằng “cách tân” sẽ làm loãng bản sắc truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy, sáng tạo đúng hướng lại chính là cách tốt nhất để giữ cho văn hóa không bị lãng quên. Vấn đề nằm ở việc hiểu rõ “gốc” – để từ đó “biến hóa” chứ không “biến dạng”.
Các trường mỹ thuật, thiết kế nên mở rộng hợp tác với làng nghề để tạo ra những dự án đồng sáng tạo giữa nghệ nhân và nhà thiết kế trẻ, vừa giữ được hồn cốt truyền thống, vừa mang đến sức sống mới. Những chiếc áo dài thêu họa tiết tranh Đông Hồ, đèn gốm in họa tiết cổ, hay túi tote in tranh dân gian đều là những minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần xưa và tư duy hiện đại.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích nghệ nhân trẻ học hỏi, làm chủ công nghệ số như thiết kế 3D, in ấn kỹ thuật số, hay thực tế ảo (AR/VR) để đưa sản phẩm truyền thống bước vào không gian kỹ thuật số – nơi mà văn hóa có thể “sống” theo cách mới, sinh động và gần gũi hơn với giới trẻ.
Kể chuyện, không chỉ bán hàng: Truyền thông văn hóa bằng câu chuyện
Sản phẩm truyền thống không chỉ là hàng hóa, mà còn là câu chuyện. Đó là lý do vì sao kể chuyện (storytelling) cần trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược truyền thông và thương mại hóa sản phẩm văn hóa.
Một chiếc nón lá bình thường sẽ trở nên đặc biệt hơn nếu người bán kể được câu chuyện về bàn tay của nghệ nhân già ở làng Chuông, về những phiên chợ xưa nơi nón từng là món đồ sính lễ, hay cách mỗi lớp lá được xếp bằng cả tình yêu với nghề.

Các video “kể chuyện” văn hoá về Nón lá làng Chuông trên Youtube
Các nền tảng mạng xã hội chính là sân khấu tuyệt vời cho những câu chuyện ấy. Những TikToker kể chuyện làng nghề, YouTuber làm vlog về quy trình chế tác tranh dân gian, hay người dùng Instagram giới thiệu sản phẩm bằng ảnh chụp nghệ thuật – tất cả đều đang làm công việc “đánh thức ký ức văn hóa” theo cách vừa gần gũi, vừa hiện đại. Chính truyền thông hiệu quả sẽ giúp sản phẩm truyền thống không chỉ “bán được”, mà còn “được yêu thích và tự hào sở hữu”.
Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo bền vững
Thành công bền vững không thể chỉ dựa vào vài nghệ nhân đơn lẻ. Cần hình thành một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo, nơi có sự kết nối giữa nhà thiết kế, nghệ nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan chính sách và trường đào tạo.
Các trung tâm sáng tạo làng nghề, các “xưởng văn hóa” kết hợp nghệ thuật – truyền thống – công nghệ nên được hình thành ở quy mô địa phương. Đồng thời, cần tổ chức các lễ hội, triển lãm, sàn giao dịch sản phẩm văn hóa sáng tạo, vừa tạo sân chơi, vừa là nơi thương mại hóa sản phẩm truyền thống có chọn lọc và bảo hộ.

Làng lụa Vạn Phúc là một trong số những làng nghề được quy hoạch quy củ và thu hút khách du lịch nhất trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Việc gắn sản phẩm với du lịch trải nghiệm văn hóa cũng là một hướng đi khả thi. Khi du khách trực tiếp đến thăm làng nghề, tự tay làm sản phẩm, nghe nghệ nhân kể chuyện, họ sẽ trân trọng giá trị văn hóa hơn và sẵn sàng chi trả cao hơn cho một sản phẩm có hồn.
Sản phẩm văn hóa truyền thống Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để vươn xa, nếu chúng ta biết kết hợp bảo tồn bản sắc với đổi mới sáng tạo, bảo vệ bản quyền với thúc đẩy thương mại hóa. Làng nghề không chỉ cần được “giữ lại”, mà cần được “làm mới” một cách thông minh và bền vững. Khi những sản phẩm mang dấu ấn văn hóa không chỉ hiện diện trong viện bảo tàng mà còn sống động trên thị trường, trong đời sống thường ngày – đó chính là lúc văn hóa được sống thật sự.
Hạnh Dung - Thanh Hằng