Dấu hiệu ‘BINH MINH VIET' không đủ điều kiện bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại

Quyền Trung
Khi đánh giá mức độ xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu - “NHỰA BÌNH MINH”, nếu Dấu hiệu ‘BINH MINH VIET” (Cty CP Nhựa Bình Minh Việt) không đủ điều kiện bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại, thì sẽ làm gia tăng khả năng cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với chủ thể (Cty CP nhựa Bình Minh).

Sản xuất sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu

Công ty CP nhựa Bình Minh (địa chỉ: 240 Hậu Giang, phường 9, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống lâu năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ nhựa. Doanh nghiệp này được cấp nhiều Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCN ĐKNH) cho các sản phẩm nhựa của mình, trong đó có GCN ĐKNH số 180399 (cấp năm 2012) với nội dung chính như sau: thời gian hiệu lực: từ 02/03/2012-10/01/2031; nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng “BM”, “NHỰA”; Danh mục sản phẩm/Dịch vụ mang nhãn hiệu: nhóm 19: Ống nước bằng nhựa cứng, tấm lợp bằng nhựa, phụ tùng ống nước nhựa cứng dùng trong xây dựng (có hình minh hoạ tham chiếu dưới đây).

Nghi ngờ việc Công ty CP Nhựa Bình Minh Việt (Cty Nhựa Bình Minh Việt) sử dụng dấu hiệu “BINH MINH VIET” (in hoa không dấu) trong Tên “CTY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET” để in/gắn (sau đây gọi chung là in) tại thân sản phẩm ống nhựa do Công ty này sản xuất, bán ra thị trường, bị nghi ngờ là tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 180399. Tháng 9/2023, Công ty CP nhựa Bình Minh (Cty nhựa Bình Minh) có đơn yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện giám định để xác minh, làm rõ dấu hiệu xâm phạm quyền của Cty Nhựa Bình Minh Việt, làm căn cứ cho việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bai 3 anh chinh 2

Ảnh tham chiếu Dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp – “BINH MINH VIET” và Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 180399.

Ngày 02/10/2023, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ ban hành Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số: NH827-23YC/KLGĐ. Theo đó, kết quả giám định cho thấy, Đối tượng giám định (dấu hiệu “BINH MINH VIET” – “Dấu hiệu”) được coi là tương tự với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 180399 (“Nhãn hiệu”). Cụ thể:

Với Nhãn hiệu của Cty CP nhựa Bình Minh (được cấp chứng nhận bảo hộ):

Nhãn hiệu là sự kết hợp của nhiều yếu tố/thành phần, trong đó có chữ “Bình Minh”, có khả năng phân biệt độc lập, là một trong các thành phần chính (mạnh) của Nhãn hiệu. Nếu bất kỳ dấu hiệu nào trùng/tương tự với thành phần chính của Nhãn hiệu thì bị coi là thuộc phạm vi bảo hộ của Nhãn hiệu.

Dù dấu hiệu không có dấu nhưng vẫn được đọc và hiểu là “Bình Minh Việt” vì là tên riêng của Công ty sản xuất sản phẩm gắn Dấu hiệu - Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh Việt.

Với Dấu hiệu - “BINH MINH VIET” trong Tên “CTY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET” in trên thân sản phẩm ống nhựa do Công ty CP Nhựa Bình Minh sản xuất, bán ra thị trường:

Dấu hiệu tương tự với thành phần chữ chính của Nhãn hiệu – “Bình Minh” - vì đều có chữ “Bình Minh”. Dấu hiệu chỉ khác Nhãn hiệu là có thêm chữ “VIET”. Tuy nhiên, chữ này thường được sử dụng trong các nhãn hiệu, tên thương mại với ý nghĩa chỉ dẫn rằng người sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại là người Việt Nam. Nghĩa là chỉ là thành phần phụ, không có khả năng phân biệt khi ghép với chữ “BÌNH MINH”.

Khi Dấu hiệu và Nhãn hiệu được dùng cho cùng loại sản phẩm sẽ gây ấn tượng rằng sản phẩm gắn Dấu hiệu có liên quan về nguồn gốc với sản phẩm mang Nhãn hiệu.

Với các lý do trên, Dấu hiệu được coi là TƯƠNG TỰ GÂY NHẦM LẪN với Nhãn hiệu.

Dấu hiệu ‘BINH MINH VIET” không đủ điều kiện bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại

Pháp luật có quy định rằng, trong một số trường hợp, Người thứ ba (không phải là chủ sở hữu Nhãn hiệu được bảo hộ), có quyền sử dụng chính nhãn hiệu được bảo hộ hoặc nhãn hiệu (dấu hiệu) tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đó. Trong những trường hợp như vậy, việc sử dụng dấu hiệu không bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu, dấu hiệu được sử dụng không bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu. Các trường hợp đó như sau:

Trường hợp thứ nhất: Dấu hiệu được sử dụng là đối tượng được bảo hộ theo pháp luật, với người có quyền được bảo hộ chính là Người bị nghi ngờ (ví dụ: Đối tượng giám định là Tên thương mại đã được Người bị nghi ngờ sử dụng hợp pháp từ trước ngày Nhãn hiệu đối chứng được bảo hộ).

Trường hợp thứ hai: Dấu hiệu được sử dụng là đối tượng li xăng mà Người bị nghi ngờ là bên nhận (còn bên giao có thể là Chủ sở hữu Nhãn hiệu hoặc là người đã được cấp li xăng từ Chủ sở hữu đó) và việc sử dụng Đối tượng giám định là phù hợp với li xăng đó;

Trường hợp thứ ba: Việc sử dụng Dấu hiệu thuộc trường hợp “sử dụng trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác khác của hàng hóa, dịch vụ” quy định tại Điều 125.h Luật Sở hữu trí tuệ;

Trường hợp thứ tư: Việc sử dụng Dấu hiệu thuộc dạng lưu thông/nhập khẩu hàng hóa gắn Dấu hiệu đó nhưng đó là “ hàng hóa do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước nhãn hiệu đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài” theo quy định tại Điều 125.2.b Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối tượng giám định có phải là đối tượng được phép sử dụng của người bị nghi ngờ hay không ?

Người bị nghi ngờ - Người gắn/in Dấu hiệu lên sản phẩm (Người sử dụng đối tượng bị xem xét) là Cty CP Nhựa Bình Minh Việt, địa chỉ: 176/14B Nguyễn Thị Thập, Bình Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng giám định không thuộc trường hợp thứ nhất, vì: theo Cơ sở dữ liệu về Nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý, Cty CP Nhựa Bình Minh Việt, không có nhãn hiệu nào được bảo hộ, có nội dung là “BINH MINH VIET” dùng cho các sản phẩm là ống nhựa. Nghĩa là Đối tượng giám định không phải là Nhãn hiệu được bảo hộ.

Tuy nhiên, Dấu hiệu là thành phần chính (Tên riêng) trong Tên thương mại của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh Việt, nên phải xem xét về việc sử dụng Tên thương mại này. Nếu việc sử dụng Tên thương mại gây xung đột với nhãn hiệu hoặc/và với Tên thương mại của doanh nghiệp khác thì đối tượng nào có ngày xác lập (phát sinh) quyền sớm hơn sẽ được coi là được bảo hộ.

Theo thông tin tra cứu về Người nộp thuế tại Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế, ngày bắt đầu sử dụng “BINH MINH VIET” trong Tên thương mại “CTY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET” là ngày 23/11/2022 – có sau (muộn hơn) so với ngày Nhãn hiệu được bảo hộ là ngày 02/03/2012. Theo Điều 7.2 Luật Sở hữu trí tuệ, “BINH MINH VIET” không được bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại so với Nhãn hiệu đối chứng (chữ “NHỰA BÌNH MINH” trong Nhãn hiệu).

Như vậy, dấu hiệu “BINH MINH VIET” trong Tên “CTY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET” gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng – là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 77 Nghị định số 65/2023) đối với Nhãn hiệu được bảo hộ cho Nhóm 19 theo GCNĐKNH số 18039 của Cty CP nhựa Bình Minh.

Phúc Huy