Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Chùa Ba Si (Trà Vinh): Công dân tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình lập hồ sơ dự thầu, chấm thầu

Quyền Trung
Chùa Piseyvararam (chùa Ba Si) ở Trà Vinh là công trình di tích lịch sử quốc gia, có giá trị quan trọng về lịch sử, kiến trúc, tôn giáo và tâm linh ở khu vực miền Tây Nam Bộ, được Đảng, Nhà nước chú trọng đầu tư, thận trọng trong tu bổ tôn tạo. Tuy vậy, việc thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Ba Si hiện nay đang xuất hiện nhiều vấn đề, hé lộ nhiều vi phạm trong quá trình lập hồ sơ dự thầu, chấm thầu.

Dấu hiệu gian dối trong lập hồ sơ dự thầu, thiên vị trong chấm thầu

Ngày 08/11/2023, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND Về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Ba Si, giao Sở VHTTDL chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành; Sở Kế hoạc và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu được giao. Dự án bao gồm 05 gói thầu: từ gói số 05-09, trong đó có gói số 05: thi công xây dựng công trình áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng với giá gói thầu là: 13.947.660983 đồng.

a1-1743408377.jpg

chùa Ba Si

 

Ngày 12/12/2023, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 492/QĐ-SVHTTDL Về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 05: Thi công xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Ba Si. Theo đó, nhà thầu trúng thầu là: Liên danh Công ty TNHH Nội thất Xây lắp Trà Vinh và Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trung Thành, giá trúng thầu: 11.697.460.877 đồng (làm tròn: 11.697.460.000 đồng), thời gian thực hiện: 500 ngày theo hình thức hợp đồng trọn gói.

Tại gói thầu số 5 thuộc Dự án – gói thầu: Thi công xây dựng công trình (TBMT: IB2300322858-00), liên danh Công ty TNHH Nội thất Xây lắp Trà Vinh (MST: 2100428544) do ông Phạm Hoàng Phúc là Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật và Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trung Thành (MST: 2100319770) do ông Trang Trung Thành là Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật đã trúng thầu với giá 11.697.460.000 đồng. Trong đó, Công ty TNHH Nội thất Xây lắp Trà Vinh (Công ty Xây lắp Trà Vinh) đóng vai trò nhà thầu chính và là đơn vị thành viên đứng đầu liên danh. Tỷ lệ phân chia khối lượng công việc trong liên danh là: Công ty TNHH Nội thất xây lắp Trà Vinh thực hiện 94,35 % , Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trung Thành 5,65 %; giá trị Công ty TNHH Nội thất xây lắp Trà Vinh thực hiện 94,35 % tương đương 11.036.560.058,8 đồng.

a21-1743408755.jpg

Kết quả trúng thầu

 

Tuy nhiên, theo đơn phản ánh công dân gửi cơ quan báo chí, có nhiều vi phạm trong quá trình lập hồ sơ dự thầu, chấm thầu gói thầu 05, đó là việc: liên danh dự thầu không đáp ứng được yêu cầu của HSMT đối với năng lực tài chính, năng lực nhân sự và biện pháp thi công khả thi, có dấu hiệu của việc làm giả giấy tờ hồ sơ dự thầu, nên việc vẫn được chấm trúng thầu là thiên vị, vi phạm về nguyên tắc và quy định về đấu thầu. Cụ thể:

Thành viên đứng đầu liên danh – nhà thầu chính - Công ty Xây lắp Trà Vinh: Không đáp ứng được yêu cầu về doanh thu – tức, doanh thu đáp ứng yêu cầu gói thầu thiếu: hơn 2,9 tỷ đồng.

Hồ sơ báo cáo tài chính ghi nhận nhiều bất thường, không đảm bảo năng lực tài chính. Lợi nhuận từ 2020 đến 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2020, 2022 có ghi nhận lỗ trong khi doanh thu năm 2022 cao gấp 5 lần năm 2020; năm 2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 33,891,422 đồng. Trên báo cáo tài chính năm 2020, vốn điều lệ đầu năm là 2 tỷ đồng, trong năm góp thêm 7 tỷ đồng bằng tiền mặt và được duy trì trên tài khoản tiền mặt từ năm 2020 đến 2022. Tại Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 4 ngày 7/3/2024, vốn điều lệ của Công ty là 4,5 tỷ đổng, có sự chênh lệch trên báo cáo tài chính so với năm 2022.

bctc-2922-1743408652.png

BÁO CÁO TÀI CHÍNH 2022

 

Đặc biệt, có dấu hiệu của việc làm giả giấy tờ trong hồ sơ dự thầu. Đối với hóa đơn GTGT số 0000031 ngày 30/12/2020 được đưa vào hồ sơ năng lực nhưng thực tế không có (không có giá trị pháp lý).

Còn về phía Công ty Trung Thành – thành viên liên danh – nhà thầu phụ: Không đảm bảo quy định bắt buộc về năng lực kinh nghiệm. Cụ thể: Tại Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu chùa Ba Si thể hiện: Chỉ huy trưởng công trình Trần Tuấn A. Ngày 23/11/2023, vẫn là nhân sự của Công ty Xây lắp Trà Vinh theo Biên bản nghiệm thu hoàn thành chùa Kom Pong – chức danh chỉ hủy trưởng. Hợp đồng lao động của ông Trần Tuấn A. không phù hợp với tính chất công việc chỉ huy trưởng. Như vậy, Công ty Trung Thành có biểu hiện không có nhân sự phù hợp đảm bảo yêu cầu bắt buộc.

Liên danh dự thầu thiếu biện pháp thi công khả thi đối với công trình có tính chất đặc biệt về mặt kiến trúc, lịch sử, tôn giáo và tâm linh là chùa Ba Si.

HSDT thể hiện, phần xây dựng chuyên ngành - tại hạng mục Chánh điện: bản vẽ biện pháp tổng thể mặt bằng không thể hiện được đường vận chuyển vật tư, thiết bị ra vào khuôn viên chùa; không có bản vẽ biện pháp an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; thuyết minh phần PCCC nêu báo cháy tự động sai khác so với hồ sơ mời thầu là bình bọt và tiêu lệnh PCCC.

Đặc biệt, thiếu các biện pháp thi công khả thi đối với các hạng mục đặc biệt của công trình chùa Ba Si phải bảo tồn tối đa theo ý kiến của Bộ VHTTDL (cũng như HSMT), đó là: không có bản vẽ biện pháp tu bổ phục hồi tranh tường, sơn thếp vàng, sơn mài màu, bờ mái, đắp hoa văn trang trí, rồng bờ mái, lắp dựng giàn giáo thi công; thuyết minh thiếu công tác sơn mài màu không thếp vàng, lát nền gạch bông cũ tận dụng lại, tu bổ phục hồi tranh tường, đáp phục hồi rồng bờ mái so với hồ sơ thiết kế và hồ sơ mời thầu; thiếu bản vẽ phục hồi Đầu rắn thần Braham ở phần hàng rào.

Có dấu hiệu gian dối trong HSDT. Về an toàn lao động, tại Mục a - Biện pháp tổ chức đào tạo: “Với đội ngũ là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ hợp đồng phục vụ dài hạn trong quân đội …”. Nhà thầu liên doanh không phải đơn vị quân đội nên không được sử dụng lực lượng vũ trang tham gia xây dựng…

Từ những vấn đề trên, công dân phản ánh cho rằng, đã có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ, giấy tờ trong việc lập HSDT; còn đối với đơn vị chấm thầu, có dấu hiệu của việc thiên vị để trúng thầu khi tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, năng lực tài chính không đảm bảo theo quy định pháp luật và tiêu chí của HSMT, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ quyền hạn; vi phạm nguyên tắc và pháp luật về đấu thầu tại Gói thầu số 05.

Một số kiến nghị, khuyến nghị

Theo dữ liệu, so với các đơn vị khác tham gia đấu thầu (Công ty TNHH xây dựng Phú Bình, Công ty TNHH xây dựng công trình văn hóa Thăng Long và Công ty cổ phần tu bổ di tích Trung ương – VINAREMON), thì Công ty Xây lắp Trà Vinh là đơn vị không chuyên sâu (bằng) trong lĩnh vực thi công, bảo tồn, duy tu các công trình di tích. Tuy nhiên, ở Trà Vinh, doanh nghiệp này đã trúng nhiều gói thầu thi công công trình là chùa, ví dụ: Xây dựng công trình chùa Phúc Khánh (ký năm 2019), xây dựng công trình Chùa Bodhisălarăja (KomPong; ký năm 2022, liên danh). Thực tiễn này cũng đặt ra nhiều hoài nghi về năng lực thực sự của Công ty Xây lắp Trà Vinh, cũng như khả năng bảo tồn các hạng mục của các công trình di tích sau khi thực hiện thi công. Vấn đề này, công chúng hoàn toàn có khả năng đối chiếu, so sánh các hạng mục lúc trước và sau khi thi công.

Trên cơ sở phản ánh của công dân, kiến nghị: BTV tỉnh uỷ Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo, kiến nghị Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh xem xét, kiểm tra lại vụ việc, từ khâu chấm thầu tới khâu thi công xây dựng công trình, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Dự án cũng như trách nhiệm của người đứng đầu - Giám đốc Sở HVTTDL tỉnh Trà Vinh “chịu trách nhiệm trực tiếp về quy mô, hiệu quả củ dự án, quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, yêu cầu, tổ chức thực hiện đạt tiêu chuẩn, chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật của từng hạng mục công trình theo hồ sơ được duyệt” theo Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh “Về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Ba Si”.

Trung Sơn