Từ hàng nghìn năm nay, đây là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Thụy Phương (Chèm), Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc) của xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm).
Đình Chèm thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm). Sự tích Lý Ông Trọng đã được ghi lại trong cuốn Lĩnh Nam chích quái, thể hiện rõ ông là một nhân vật truyền thuyết của dân gian Việt Nam. Chuyện kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, ở xã Thụy Hương (Thụy Phương) huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ có một cậu bé tên là Lý Thân, tức Lý Ông Trọng. Ngay từ khi sinh ra, Ông Trọng đã rất to khỏe và lớn nhanh như thổi, cao đến hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Đến thời nhà Thục, ông trở thành một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần. Khi thấy Lý Ông Trọng là người to lớn khác thường, vua Tần bèn phong ngay làm Tư lệ Hiệu uý, cầm đầu một đội quân hùng mạnh, canh giữ miền Tây. Đội quân của Ông Trọng đánh trận nào thắng trận đấy, chiến công lẫy lừng, giặc Hung Nô quay gót không dám ngó nghiêng. Vua Tần rất mừng rỡ bèn gả con gái cho.
Mặc dù được hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý của bậc đế vương nhưng Ông Trọng vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương bèn xin trở về Âu Lạc. Vắng bóng ông, quân Hung Nô lại xâm phạm cửa ải nhà Tần. Lần này, vua Tần sai sứ đích thân sang vời ông về nhưng không được bởi ông không muốn xa quê lúc tuổi già. Thục phán An Dương Vương đành phải nói dối ông đã chết. Vua Tần thương tiếc, cho đúc tượng Lý Ông Trọng bằng đồng rỗng ruột, trong tượng chứa mấy chục người để lay cho bức tượng cử động như thật. Khi đẩy tượng ra biên ải, quân Hung Nô tưởng Ông Trọng còn sống bèn tháo chạy. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ và tôn ông là Đức Thánh Chèm.
Theo sách Việt điện u linh cũng như ngọc phả của đình thì đình Chèm được xây dựng từ thế kỷ thứ VII, là công trình kiến trúc có nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu: Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.
Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18). Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ vợ chồng ông Trọng và các tượng chầu. Tổng thể được xếp theo trục hoàng đạo Đông, Bắc, Tây, Nam.
Tại đình còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; bốn bia đá, một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm bia thời Nguyễn; hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.
Tại khuôn viên Đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh (nhà Nguyễn) năm 1824. Ngoài ra, trong đình còn rất nhiều đồ thờ các loại đều có giá trị nghệ thuật cao như chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm.
Hàng ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn ngự sát bên bờ sông Hồng nặng phù sa. Từ khi khởi dựng đến nay, do tọa lạc trên khu đất sát kề bờ sông Hồng, nên hàng năm, vào mùa mưa lũ, đình Chèm luôn bị ngập lụt.
Đình Chèm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn và mở rộng. Đặc biệt vào những năm 20 của thế kỷ XX, dân vùng Chèm đã tiến hành một việc quan trọng và táo bạo là nâng toàn bộ ngôi đình lên cao. Đến nay, tất cả kiến trúc của đình Chèm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ bố cục đến kiểu dáng cả một tổng thể những di tích cổ kính nằm hài hòa trong một không gian rộng thoáng, bên sông Hồng. Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ hội Chèm là lễ hội lớn trong vùng, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch, trong đó, ngày 15 là ngày hội chính. Các nghi thức quan trọng của lễ hội đều được tổ chức tại Đình Chèm. Hội Chèm gồm các hoạt động: Lễ mộc dục, rước nước, rước văn, rước kiệu, lễ tế, dâng hương, biểu diễn hát quan họ, chèo, hội thi bơi, hội vật, chọi gà, bắt vịt nước, thả chim bồ câu… Lễ hội có sự tham gia của nhân dân ba làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc) theo truyền thuyết địa phương thì ba làng kết nghĩa anh em, làng Chèm là anh cả, làng Xá là anh hai và làng Liên là anh ba.
Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.
Mở đầu là lễ rước nước sáng sớm ngày 15. Nước được lấy ở giữa dòng sông để phục vụ cho lễ (mộc dục) tắm tượng. Sau đó là lễ rước văn (rước bài văn tế từ nhà người trưởng văn ra đình), cuối cùng là lễ tụng kinh cầu siêu do thầy chùa phụ trách tiến hành trong đêm Rằm. Khi các nghi lễ tiến hành xong cũng là thời điểm dân làng và khách thập phương chung vui không khí hội hè: thả chim bồ câu, chèo thuyền, đánh cờ, đấu vật… Trong đó, hấp dẫn nhất vẫn là hội thi thả chim và chèo thuyền. Với sự tham dự của nhiều chủ chim có khi tới dăm chục thậm chí hàng trăm đàn chim chờ đợi mở lồng tung cánh, đua tài cao thấp trong ngày hội càng làm cho không khí hội đền Chèm thêm náo nhiệt.
Từ những nghi thức và tập tục: rước nước, tắm tượng, chèo thuyền, thả chim… là hình ảnh mờ nhạt của các lễ nghi nông nghiệp xa xưa, qua thời gian và các dòng văn hoá cho đến nay chỉ còn hiện diện như một thú chơi tao nhã và tinh thần thượng võ. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn riêng của một làng quê nông nghiệp ven đô.
SHTT