Đa dạng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng

Quyền Trung
Ngày 5/7, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM, workshop với chủ đề “Ứng dụng của Blockchain trong Fintech” đã diễn ra. Chương trình nằm trong khuôn khổ hội thảo quốc tế về quản trị tài chính và kinh tế năm 2023.

Chương trình do Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) kết hợp với Trung tâm Quản lý tài sản số (TSS), Liên minh chuyển đổi số (DTS) dưới sự bảo trợ của Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA).

Ứng dụng nhiều trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Việc ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng ngày càng phổ biến nhằm giải quyết được việc những vấn đề trong hoạt động giao dịch, thanh toán được minh bạch, đồng thời tăng cường tính bảo mật.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Lê Bảo Thy – Phó Trưởng khoa Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng - cho rằng Blockchain không còn là sản phẩm của tương lai mà đã có những sản phẩm thực tế đang tham gia vào các lĩnh vực đời sống, trong đó có lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

blockchain 1

Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến trên, theo ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, ngày nay, Blockchain trở thành xu hướng không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, khi nói đến Fintech, nhiều người nhắc ngay đến các ứng dụng tại ngân hàng.

Theo ông Thắng, hiện nay các ngân hàng tại Việt Nam đang ứng dụng việc tích hợp kênh. Tất cả ứng dụng đều tích hợp vào một ứng dụng, từ thẻ, ví, tài khoản, gửi tiết kiệm cho đến vay vốn.

Hiện nay gần như Việt Nam vẫn chưa đến được giai đoạn 3.0 của hệ thống ngân hàng số. Đây là giai đoạn khách hàng không cần đến nhà băng, cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần làm việc trực tuyến với ngân hàng.

Ở giai đoạn 4.0 là ngân hàng trải nghiệm và cá thể hóa, hiện nay các nước trên thế giới chưa thực hiện được. Chẳng hạn việc phục vụ 10 triệu khách hàng thì phải có 10 triệu cá thể hóa, lúc này ngân hàng có thể theo dõi được thị hiếu, nhu cầu vay vốn. Từ đó, nền tảng Blockchain buộc phải có để minh bạch, không thể sửa đổi thông tin đồng thời Blockchain giúp nền tảng giao dịch ở các nhà băng đảm bảo thông suốt.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng Việt Nam sẽ không đi ngoài xu hướng phát hành đồng tiền kỹ thuật số thay cho đồng tiền mặt mà Việt Nam đang dùng để minh bạch đồng tiền, điều này giúp cho đồng tiền Việt nhanh hội nhập vào thị trường quốc tế.

Trong những năm gần đây, thị trường công nghệ Việt Nam được thế giới đánh giá phát triển nhanh trong lĩnh vực Blockchain, nhưng theo ông Thắng xu hướng nghiên cứu của các bạn trẻ, startup ở trường đại học đi nhanh nhưng vẫn làm một cách manh mún. Cơ sở pháp lý về Blockchain, Fintech tại Việt Nam hiện nay vẫn “chờ đợi” công nhận một cách chính thức về pháp lý.

Quan trọng vẫn là cách sử dụng

Trong lĩnh vực Fintech, hai xu hướng mới nổi lên và đang định hình lại toàn bộ lĩnh vực Fintech là Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Marc Hoelmer – Chuyên gia cố vấn tại Công ty luật Ecovis Việt Nam – cho rằng AI ra đời và được sử dụng phổ biến trên thị trường đã tạo nên một cú sốc lớn. Theo ông Marc Hoelmer, câu hỏi ở đây không phải là AI sẽ làm được những gì mà điều con người cần quan tâm cách sử dụng AI như thế nào. Kể cả AI hay Blockchain đều được phát minh để giúp cho con người làm việc hiệu quả hơn.

“Cần phải hiểu công nghệ được thiết kế để thuận tiện hơn cho việc sử dụng và vận hành”, ông Marc Hoelmer nói.

blockchain

Các chuyên gia tham gia phần tọa đàm đã giải đáp nhiều thắc mắc xoay quanh các xu hướng về Blockchain.

Tại chương trình, ông Nguyễn Chí Công - Giám đốc Công ty quản lý Quỹ FUNDGO - một đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng Blockchain vào việc số hóa - cho biết quỹ FUNDGO luôn tìm kiếm và hỗ trợ cho doanh nghiệp, các startup có những đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Theo ông Công, đối với chứng chỉ quỹ FUNDGO, xét về độ phổ biến, việc chọn NFT và Blockchain để phát triển như hiện nay cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận với khách hàng và người dùng. Tuy nhiên, FUNDGO là quỹ khởi nghiệp sáng tạo nên ông Công vẫn chọn công nghệ mới và đột phá.

Khi tham gia quỹ FUNDGO, nhà phát hành có bản chất là nhà đầu tư vào quỹ sẽ phát hành chứng chỉ quỹ dựa trên nền tảng pháp lý của quỹ FUNDGO. Điều này giúp nhà phát hành số hóa, tiết kiệm được chi phí liên quan tới việc vận hành, đồng thời giúp nhà phát hành tiếp cận được tệp khách hàng rộng lớn, không chỉ tại Việt Nam mà còn những người sử dụng Blockchain trên phạm vi toàn thế giới.

Với người dùng, quỹ là hình thức đầu tư về tài sản, đặc biệt là tài sản số, người dùng có một số lợi thế về quyền sở hữu, mỗi một NFT là độc nhất, không tái tạo và có giá trị riêng, dễ dàng tra cứu, bảo mật trên mạng lưới Blockchain.