Theo chia sẻ của ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, trong năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra thông suốt, các loại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trên thị trường đa dạng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng nhưng sức mua của người dân giảm so với mọi năm do tình hình sản xuất, kinh doanh của các danh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, nhưng với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là bán lẻ, số lượng hàng hoá vi phạm không nhiều. Một số cơ sở kinh doanh vi phạm là do chưa nhận thức được hành vi kinh doanh hàng hoá vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả; bên cạnh đó một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận hoặc muốn đánh vào thị hiếu khách hàng nên thực hiện hành vi vi phạm.
Trước thực trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã triển khai 01 cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và đã ban hành kết luận kiểm tra theo đúng quy định; Tổ chức triển khai 04 cuộc thanh tra và 10 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch được phê duyệt. Đã thanh tra, kiểm tra 489 cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 17 cơ sở vi phạm hành chính (VPHC) về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa và xử phạt VPHC đối với 17 cơ sở vi phạm với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 66.250.000 đồng (Sáu mươi sáu triệu, hai trăm năm mươi ngàn đồng chẵn); các cơ sở vi phạm hành chính chấp hành nộp phạt đầy đủ, đúng quy định. Đồng thời tham gia, phối hợp với 09 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về đo lường, chất lượng sản phẩm, nhãn hàng hóa.
Đồng thời, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã tiếp nhận 02 đơn thư phản ánh về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Việc tiếp nhận, xử lý và trả lời đơn thư thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Công ty Cổ phần phát triển du lịch Cam Ranh có đơn phản ánh về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “mia Resorts” của Công ty được gắn tên tại khách sạn “MIA HOTEL”. Kết quả khách sạn gắn tên “MIA HOTEL” thực hiện biện pháp khắc phục là loại bỏ yếu tố vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “mia” trên biển hiệu, quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các phương tiện marketing. Trong khi đó, Nhà hàng cơm Mậu phản ánh nhãn hiệu cơm mậu bị xâm phạm. Kết quả không thụ lý đơn vì không đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bình Định trực tiếp phát hiện và phối hợp với các ngành chứng năng kiểm tra, bắt giữ 01 vụ liên quan đến việc giải mạo nhãn hiệu, đã tiến hành xác lập tin báo cáo tội phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu với số tiền là 60.875 triệu đồng; Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vị phạm về sở hữu công nghiệp và xử phạt 154 triệu đồng. Đồng thời, hàng hoá vi phạm được xử lý trị giá 39,64 triệu đồng (hàng hoá vi phạm: phụ tùng xe máy, phụ kiện thời trang, điện thoại di động, ...); Cục Hải quan tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với 306 Đơn và hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan tiếp nhận.
Có thể thấy, trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh, Cục quản lý thị trường, Hải quan tỉnh làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng giả nhãn hiệu, hàng nhái hàng xâm phạm quyền. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN chủ yếu còn ở mức độ đơn lẻ, theo vụ việc và không mang tính hệ thống, thường xuyên với những cách thức, biện pháp và mục tiêu đã được xác định trước cho toàn bộ hệ thống.
Hương Mi