Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và các nguồn lực kinh tế

Quyền Trung
(SHTT) - Ngày 24/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ 2.

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; các chuyên gia kinh tế, luật sư, giảng viên và các phóng viên, nhà báo…

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Đồng thời, diễn đàn cũng là một trong những nội dung cụ thể nhằm triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa 4 cơ quan tổ chức nói trên, thể hiện sự đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ làm báo.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Diễn đàn được tổ chức trong tháng 10 năm nay là thời điểm rất có ý nghĩa - đây là tháng chúng ta có kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong 2 ngày 4/10 và 11/10 vừa qua, VCCI đã tổ chức đoàn doanh nhân tiêu biểu tiếp kiến và được Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trực tiếp gặp gỡ, động viên cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

“Hôm nay, đội ngũ doanh nhân cùng đại diện những người làm báo cùng gặp gỡ để trao đổi về vấn đề hợp tác, đồng hành giữa 2 lực lượng có vai trò rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế là đội ngũ báo chí và doanh nghiệp, vì mục tiêu chung phát triển đất nước”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

dien dan

Toàn cảnh diễn đàn

Đồng thời ông cho rằng, cách đây hơn 01 năm, ngày 25/7/2023, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI được tiến hành, ghi dấu mốc quan trọng mới cho sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí - truyền thông, hướng đến cùng góp phần thực hiện thành công mục tiêu lớn: Đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.

Cũng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, thời gian qua, báo chí là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Từ thực trạng trên, ông Lê Quốc Minh cho rằng có 3 vấn đề cần phải làm rõ. Một là, báo chí đóng vai trò gì trong việc thông tin về nền kinh tế, doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Hai là, làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp. Ba là, làm thế nào để nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời của thông tin kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí; công tác đào tạo nghiệp vụ thông tin kinh tế cho phóng viên, nhà báo trong nền kinh tế số hiện nay ra sao.

dien dan1

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, theo số liệu thống kê, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.

Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.

Do đó, báo chí trước, trong và sau này là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức.

Hương Mi