Ở Việt Nam, tình trạng nợ BHXH kéo dài của các đơn vị, doanh nghiệp đang ở mức độ báo động. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp có diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây hệ luỵ tiêu cực rất lớn cho xã hội, đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, gây bức xúc trong dư luận do chế tài xử lý nợ đọng BHXH chưa đủ mạnh để giải quyết dứt điểm. Người lao động khi chuyển nơi làm việc hoặc cần chốt lại thời gian để được hưởng chế độ chính sách gặp phải vô vàn khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả chế độ trước đó họ đáng được hưởng đều bằng 0. Ngoài ra, tình trạng nợ BHXH còn gây tác động đến sự đến an toàn, cân đối nguồn quỹ.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bảo hiểm xã hội Hà Nội vừa công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023. Một trong những đơn vị có số tiền nợ BHXH nằm trong top đầu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), địa chỉ số 2, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội). Đơn vị này nợ đóng BHXH của 1.250 lao động với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Agribank được thành lập theo Nghị định số 53-HĐBT ngày 26/03/1988 của Hội đồng Bộ trưởng. Thông tin trên website của ngân hàng này cho thấy, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,87 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông".
Hiện nay, Chủ tịch HĐTV của Ngân hàng Agribank là ông Phạm Đức Ấn. Trong khi đó, Tổng giám đốc là ông Phạm Toàn Vượng. Ông Vượng từng giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Agribank. Ngày 1/12/2022, ông Vượng được Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank với thời hạn 5 năm kể từ ngày bổ nhiệm.
Các chế tài xử lý hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được quy định nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn nhiều bất cập, khó thực thi dẫn đến chưa thể hiện triệt để tính pháp quyền của nhà nước đối với những hành vi này.
Theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn 2018-2022, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó, 186 vụ bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi song đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.
Cụ thể, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên một trong những trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
- Trốn đóng BHXH cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Khung 2, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Phạm tội 2 lần trở lên
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Trốn đóng bảo cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.
Khung 3, phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên
- Người phạm tội trốn đóng BHXH cho 200 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.