Qua thời gian, cộng thêm sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa Võng Thị nguy nga tráng lệ năm xưa chỉ còn trơ trọi lại một lều tranh vách đất. Năm 2001, Bản Tự chùa cùng nhân dân địa phương đã quyết tâm tái thiết lại ngôi Tam bảo và tôn tạo cảnh quan, chùa đã hoàn thành nguy nga tráng lệ.
Chùa Võng Thị khởi dựng dưới đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128). Đến những năm kháng chiến chống Pháp, chùa từng bị san phẳng, toàn bộ tượng Phật bị đốt. Dưới sân chùa này, một hầm trú ẩn của Thành ủy Hà Nội đã được xây dựng và là nơi chỉ huy quân dân thủ đô trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hầm được xây bằng đá hộc, mỗi bề rộng 12m, nửa chìm nửa nổi, phần chìm thông với hệ thống địa đạo.
Trải qua hơn 9 thế kỷ, chùa Võng Thị đã được trùng tu và tôn tạo nhiều lần, diện mạo bị thay đổi gần hết. Trước những năm 1990, cửa chùa đã được đặt hướng theo các kiểu khác nhau. Lúc đầu mở về hướng đông-bắc, sau lại xoay sang hướng tây. Ni sư Đàm Đạo trụ trì hơn 20 năm gần đây đã tổ chức quyên góp để dựng lại nhiều hạng mục kiến trúc của chùa Võng Thị từ những phế tích đổ nát.
Hiện nay chùa mở cửa đón gió đông-nam. Sau dãy tường dài, ở phía trái toà Tam bảo có hồ nước và xung quanh chùa là vườn cây mát mẻ. Tam quan to rộng với gác chuông rất cao được xây sát mặt phố. Qua khoảng sân lát đá là các bậc thềm cao dẫn lên hiên toà Tam bảo. Tiền đường và hậu cung có hình khối đồ sộ kết cấu theo kiểu truyền thống Bắc tông. Bên trái Chính điện là phủ thờ Tam tòa Thánh Mẫu, còn ở phía sau là lầu Địa Tạng Vương.
Chính điện được bài trí tôn nghiêm, bộ tượng Phật Tam Thế ngự ở tầng trên cùng. Mỗi tượng cao 0,9m, kể cả tòa sen là 1,2m, ngang gối 0,54m, tạc bằng gỗ vào thời Mạc. Bộ cổ vật quý này vốn bị kẻ gian lấy từ đâu không rõ, sau được công an thu giữ lại và nhà chùa cung kính thỉnh rước về. Phía dưới bộ Tam Thế đặt tượng Thích Ca, tượng tôn giả A Nan và Ca Diếp, tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, bộ Thất Phật Thế Tôn và tòa Cửu Long. Trong chùa treo một quả chuông đúc từ thời Tây Sơn. Các ban thờ được trang hoàng lộng lẫy, có nhiều hoành phi, câu đối và những cửa võng chạm khắc tinh tế.
Với bề dày thời gian đáng kính và địa thế đẹp đẽ của mình, chùa Võng Thị đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia và trở thành một điểm đến trong quần thể du lịch Tây Hồ đang hấp dẫn nhiều viễn khách từ thập phương.
SHTT