Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh, trong năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử.
Số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước. Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Hiểu rõ những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp, với mục tiêu đồng hành và hỗ trợ các MSME thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024. Diễn đàn cung cấp thông tin cụ thể về các chính sách, định hướng và giải pháp hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời, qua phần chia sẻ của các chuyên gia, cung cấp thông tin toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam và quốc tế, giới thiệu các mô hình, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệp quốc tế hỗ trợ MSME Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến…
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giới thiệu tổng quan về Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex). Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.
Sau phiên Tọa đàm trao đổi về cơ hội phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cho các sản phẩm Việt, Đại diện Đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái (Trung tâm Phát triển thương mại điện tử) và một số doanh nghiệp đã ký MOU cam kết đồng hành thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế nhờ thương mại điện tử.
Bên lề Diễn đàn còn có hơn 50 gian hàng tham gia triển lãm, trong đó, nhiều gian hàng đến từ các nước khu vực châu Á và gian hàng của các doanh nghiệp trong nước. Triển lãm tạo cơ hội kết nối giao thương, giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với nhà cung cấp quốc tế cũng như đối tác logistics, nền tảng thương mại điện tử và doanh nghiệp trong ngành.
PV