Thị trường tài sản số tại Việt Nam đang bùng nổ

Quyền Trung
(SHTT) - Việt Nam nằm trong 4 thị trường giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới và người Việt đứng thứ hai về mức độ quan tâm tài sản số, đứng thứ 5 trong Chỉ số áp dụng tiền điện tử năm 2024.

Khi thế giới tiến vào kỷ nguyên số, tài sản số (digital asset) nổi lên như một công cụ chiến lược để các quốc gia phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hình vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sự phát triển của tài sản số không chỉ là kết quả của tiến bộ công nghệ, mà còn phản ánh một sự chuyển đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu. Các dạng tài sản như dữ liệu, nội dung số, tiền mã hóa, và phần mềm trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành, cách thị trường kết nối, và cách nền kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tài sản số là “trái tim” của nền kinh tế số. Các quốc gia phát triển đã nhận ra rằng, tài sản số không chỉ là một sản phẩm công nghệ mà còn là hạ tầng kinh tế thiết yếu. Với việc đứng thứ 5 toàn cầu và dẫn đầu Đông Nam Á về tỷ lệ áp dụng tiền điện tử, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm phát triển tài sản số tại khu vực.

tai san so

Không giống các loại tài sản truyền thống, tài sản số bao gồm nhiều dạng như: dữ liệu, nội dung số, tiền mã hóa hay các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Những loại tài sản này không chỉ định hình cách thức doanh nghiệp (DN) vận hành mà còn thay đổi cách nền kinh tế toàn cầu kết nối và tăng trưởng.

Giới chuyên gia khẳng định, blockchain là thị trường rất lớn Việt Nam không nên bỏ qua. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường tiền điện tử đạt 66% tốc độ tăng trưởng hàng năm với 191 tỷ USD trong năm 2019 và lên 2,4 tỷ USD năm 2024. Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu, đứng đầu Đông Nam Á về áp dụng tiền điện tử. Theo bà Gracy Chen – Giám đốc điều hành Bitget, thị trường blockchain Việt Nam được định giá khoảng 850 triệu USD năm 2023. Dự đoán, con số này sẽ tăng khoảng 17,4% mỗi năm, giai đoạn 2023-2029. Doanh thu từ phân khúc tiền điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2024, với doanh thu trung bình ước tính trên mỗi người dùng là 64,4 USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, thị trường tài sản số Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là thiếu một khung pháp lý rõ ràng. Điều này khiến các doanh nghiệp blockchain trong nước gặp khó khăn, đồng thời tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư, như gian lận và thao túng thị trường. Ông Hưng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý đầy đủ để tạo ra môi trường phát triển bền vững cho ngành công nghệ tài sản số.

Các chuyên gia quốc tế cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Malcolm Wright, Phó giám đốc Tuân thủ Sàn giao dịch OKX, cho rằng một hệ thống quy định hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái blockchain, đồng thời tăng thu thuế và thúc đẩy dòng vốn đầu tư. Robert MacDonald, Giám đốc pháp lý và tuân thủ của Sàn giao dịch Bybit, cũng cho rằng một hệ thống quy định rõ ràng sẽ tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển minh bạch và bền vững.

Minh Tú