Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vừa lên tiếng nội dung của chương trình Gặp gỡ cuối năm - Táo Quân 2025 bị sử dụng rộng rãi mà chưa được thông qua hay xin phép. Đơn vị sử dụng còn khiếu nại bản quyền "ngược" với VTV, khiến kênh chính thức của VTV bị Facebook đánh bản quyền.
Tối 3/2, VTV tiếp tục khẳng định vụ việc của Táo Quân 2025 chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm bản quyền mà nhà đài phải đối mặt trong thời gian qua.
"Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số của Đài Truyền hình Việt Nam đã đánh chặn và xử lý trên 43.000 trường hợp vi phạm bản quyền, yêu cầu gỡ bỏ và hạn chế nhiều kênh vi phạm lớn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Tiktok, Facebook và YouTube", đại diện VTV lên tiếng.
Có thể thấy, tình trạng các chương trình truyền hình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bị vi phạm bản quyền, trích dẫn, cắt ghép, đăng tải tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nội dung bị vi phạm bản quyền rất đa dạng: từ các chương trình tin tức chính luận đến thể thao, giải trí, phim truyện..., đặt ra thách thức lớn đối với các đơn vị sản xuất nội dung chính thống như Đài Truyền hình Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và các giá trị sáng tạo được pháp luật bảo hộ.
Ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ, những nền tảng mạng xã hội có thuật toán, công nghệ giúp đơn vị nắm bản quyền nội dung bảo vệ nội dung của mình nhưng lại gây ra những chính sách nhũng nhiễu, chậm giải quyết khiếu nại, hoặc không đồng hành giải quyết ngay những khiếu nại của các đơn vị cung cấp nội dung. Đó cũng là cách để các đơn vị vi phạm bản quyền cảm thấy mình vẫn có cơ hội tiếp tục thực hiện việc đó. Nếu các nền tảng mạng xã hội nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn trong chính sách của mình, thậm chí có ý thức đồng hành với các đơn vị sản xuất nội dung và VTV thì tình trạng vi phạm bản quyền mới được giải quyết.
Các đối tượng vi phạm không chỉ khai thác trái phép nội dung nhằm câu kéo lượng lớn người xem, thu lợi nhuận, mà còn sử dụng các hình ảnh chính thống, có bản quyền của Đài Truyền hình Việt Nam và một số đơn vị báo chí khác để biên tập, cắt ghép, tạo tin giả, tin xấu độc, nhằm mục đích bôi nhọ, lừa đảo, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Nếu không sớm ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền, thì hậu quả lâu dài sẽ là khó lường, khi niềm tin của người dân vào các nguồn tin chính thống trên mạng bị suy giảm, tạo điều kiện cho những luồng thông tin sai sự thật lan truyền.
Hà Châu