Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, cán bộ ngành Nông nghiệp, cán bộ khuyến nông về chuyển đổi số trong nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ số cho đối tượng là lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp; chủ trang trại, nông dân tiêu biểu… Ngoài ra, trung tâm tổ chức các hội thảo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trực tuyến, kết nối doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ tiêu thụ cho người sản xuất. Tổ chức các diễn đàn Khuyến nông @ "Nhịp cầu nhà nông" trực tuyến, nhằm kết nối nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã với các nhà khoa học, quản lý, giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, đường lối, chính sách để áp dụng vào sản xuất…
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn)…
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Sở còn tham mưu một số các ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu, như: Phần mềm quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp thuộc nghiệp vụ đánh giá thực trạng chất lượng và giải pháp sử dụng bền vững đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; cơ sở dữ liệu về thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ cơ sở dữ liệu về môi trường trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng cơ sở dữ liệu nhận biết nhanh các loài thú hoang dã; hệ thống giám sát, cảnh báo sớm cháy rừng thông minh; cơ sở dữ liệu trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn thành phố Hà Nội… Việc ứng dụng tự động hóa và công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí lao động và bảo đảm an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên hiện nay, ở nước ta, quá trình ứng dụng chuyển đổi số và AI vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phổ biến. Mặc dù đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị được thí điểm triển khai như áp dụng trồng rau thủy canh trong nhà kính, nhà màng thông minh ứng dụng hệ thống cảm biến và điều khiển tự động, song quy mô vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, manh mún.
Việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để tự động hóa các hệ thống tưới tiêu, giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm trong các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị cũng chưa được áp dụng rộng rãi.
Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục tham mưu thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp, kịp thời; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, trung tâm còn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ khuyến nông, hợp tác xã, hộ sản xuất… trên địa bàn; giới thiệu mô hình điển hình về ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt công nghệ số vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Hương Mi