Quảng Ninh: Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số toàn diện

Quyền Trung
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp, trong đó nâng cao hiệu quả chính quyền số nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Quảng Ninh xác định mục tiêu đẩy mạnh chính quyền số nhằm tận dụng tối đa những tiến bộ của công nghệ để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đầu tư, ứng dụng mạnh CNTT ở tất cả các lĩnh vực, trong đó xác định hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ tập trung để tạo bước đột phá...

1

 thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Minh Hà

Việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc, phục vụ của cơ quan nhà nước. Các TTHC được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến được lan tỏa rộng rãi, mang đến sự công khai, minh bạch, thuận lợi, vì thế ngày càng tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Giai đoạn 2021-2023, số văn bản gửi nhận qua hệ thống quản lý văn bản của các cấp đạt 1.900.000 văn bản. Cùng với đó, tỉnh đã áp dụng triển khai hệ thống phần mềm lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh với 3.801 văn bản gửi trên hệ thống, thay thế hơn 95.000 hồ sơ, tài liệu giấy… Đến nay, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình ở cả 3 cấp của tỉnh đạt trên 90%, trong đó cấp xã đạt trên 85%, cấp huyện trên 90% và cấp tỉnh đạt trên 95%. 100% TTHC đủ điều kiện (tương ứng 1.121 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đã được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ: http://dichvucong.quangninh.gov.vn... Qua đó, góp phần công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC; tiết kiệm chi phí, thời gian cũng như đảm bảo công tác lưu giữ, quản lý thông tin ngày càng hiệu quả hơn. Từ ngày 1/1/2024 đến hết tháng 1/2024, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, số hồ sơ trực tuyến cả Cổng dịch vụ công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành là 11.549/14.282 hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến tính riêng trên Cổng dịch vụ công cấp huyện là 14.278/14.364 và cấp xã là 15.366/15.814 hồ sơ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và số hóa 4.733/4.810 hồ sơ; đồng thời trả được 5.286/5.809 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Cấp huyện tiếp nhận và số hóa 14.303/14.364 hồ sơ và trả 13.200/15.032 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Cấp xã thực hiện tiếp nhận và số hóa 15.488/15.816 hồ sơ và đã trả 15.346/16.162 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ số hóa toàn trình cao nhất cả nước theo công cụ đánh giá tự động theo thời gian thực hiện của Văn phòng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh cũng đã hoàn thiện việc kết nối Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo khai thác được 20/20 trường hợp thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ người dân trong giải quyết TTHC, hỗ trợ cán bộ trong việc không sử dụng sổ hộ khẩu giấy, rút ngắn thời gian chuẩn bị, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, nâng cao hiệu quả công việc. Cùng với đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện đã triển khai thu phí, lệ phí giải quyết TTHC qua hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt từ tháng 7/2023, nhất là thu phí trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến; đồng thời bố trí cán bộ thu phí, lệ phí, phối hợp với các nhà mạng và các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn người dân ưu tiên thực hiện nghĩa vụ tài chính qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện chính quyền số, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long là đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thiện quy trình ký số một số thủ tục lĩnh vực đất đai, công bố kết quả bản điện tử đối với tất cả các TTHC đủ điều kiện; hỗ trợ công dân, thực hiện số hoá 100% hồ sơ đầu vào và thực hiện ký số theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử. Đến nay, số hoá đầu vào tại Trung tâm đạt 99,7% (tăng 31% so với năm 2022); số hoá kết quả đã giải quyết đạt 98%. Những kết quả nói trên cho thấy một nỗ lực rất lớn của Trung tâm. Trung tâm cũng phối hợp với VNPT Quảng Ninh, Viettel Quảng Ninh cấp miễn phí chữ ký số cho công dân để triển khai chữ ký số cá nhân khi giải quyết TTHC; tiếp tục triển khai Đề án thí điểm chuyển giao cho Bưu điện thực hiện một số TTHC thuộc thẩm quyền thành phố...

2

 Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Hồng Hà (TP Hạ Long).

Chị Nguyễn Thị Thúy (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: Làm thủ tục cấp hộ chiếu, thay vì phải đi lại như trước đây, thì giờ tôi chỉ cần ở nhà cũng có thể hoàn thành các thủ tục cần thiết và đăng ký qua online. Việc nộp phí cũng trên hệ thống điện tử nên rất nhanh chóng, không mất thời gian đi lại. Ngoài ra, tôi còn sử dụng dịch vụ bưu chính để nhận hộ chiếu tại nhà nên vô cùng thuận tiện. Riêng năm 2023, cấp tỉnh thu trên 13 tỷ đồng phí, lệ phí giải quyết TTHC, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt đạt trên 12,3 tỷ đồng; cấp huyện thu trên 9,3 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 9 tỷ đồng; cấp xã thu trên 8,4 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 4,2 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng; công khai, minh bạch, mang đến nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC thông qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển mạnh kinh tế, xã hội số gắn với mục tiêu, yêu cầu thúc đẩy giao dịch điện tử, thanh toán không tiền mặt, trong đó có việc đẩy mạnh đưa sản phẩm hàng hóa đặc trưng lên sàn giao dịch điện tử. Qua đó, cũng thúc đẩy doanh nghiệp, người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt; tiếp cận, tham gia mua bán, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử phổ biến nhất...

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục sử dụng, khai thác hiệu quả các hệ thống Chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn. Đến nay, 100% văn bản được xử lý trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật); 92% số TTHC tiếp nhận trên môi trường mạng, giải quyết, trình, ký số, trả kết quả hoàn toàn trên môi trường mạng.

Nguyễn Huế