Phụ nữ làm khoa học: Con đường vinh quang nhưng không trải hoa hồng

Quyền Trung
Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày một tăng lên, phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Rất nhiều đề tài ở các lĩnh vực khác nhau do nữ trí thức chủ trì ở quy mô quốc gia, cấp bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố được triển khai thực hiện đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước.

phu nu lam khoa hoc

Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng lên

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhằm từng bước khắc phục những tồn tại về bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo. Một trong những chính sách phải kể đến là Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chỉ sau 4 năm đầu tiên thực hiện Đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.

Tựu trung lại, những quyết sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và trong các lĩnh vực sáng tạo, sở hữu trí tuệ nói riêng. Trên thực tế, lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam ghi nhận số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, gặt hái được nhiều thành công trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều tập thể và cá nhân được trao giải thưởng Kovalevskaia cao quý. Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đến nay đã chiếm trên 40% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cho thấy đóng góp của các nhà khoa học nữ ngày càng được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận nhiều hơn so với trước đây.

phu nu lam khoa hoc1

Tuy vậy phụ nữ làm khoa học vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sự khác biệt về giới là một yếu tố cơ bản khiến người phụ nữ nghiên cứu khó khăn hơn nam giới. Con đường bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi vào các hoạt động nghiên cứu của phụ nữ bao giờ cũng là con đường đầy những chông gai, không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua được. Nhất là khi Việt Nam là một nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, nên họ phải đối mặt với nhiều thách thức, định kiến về bình đẳng giới, về vai trò và năng lực nghiên cứu của phụ nữ; Trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức vẫn có nhiều người coi thường phụ nữ. Tư tưởng này chính là căn nguyên tác động đến việc đánh giá các ý tưởng khoa học, công trình nghiên cứu của các cán bộ nữ.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng phải đương đầu với những khó khăn để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Khác với nam giới, các cán bộ nữ phải mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Đặc biệt với cán bộ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Chính vì vậy, nhiều cán bộ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và không tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình nên phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Đó cũng chính là khó khăn của bất kỳ phụ nữ nào khi làm công tác nghiên cứu khoa học.

Bởi vậy, để phát huy tối đa năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một trong những giải pháp quan trọng nhất là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng biệt dành cho phụ nữ; đồng thời sửa đổi những quy định hiện hành theo hướng tạo động lực, khuyến khích phụ nữ theo đuổi và gắn bó với những hoạt động này. Thực trạng cũng đòi hỏi các cơ quan liên quan cần tăng cường sự hợp tác để hỗ trợ các nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ những thành quả nghiên cứu của mình; đồng thời tạo các cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể chủ động nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách giới và cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế.

Hà Linh