Hội thảo do AnVietGroup tổ chức, với sự phối hợp, tham gia của các đối tác đến từ Nhật Bản: Hiệp hội Công nghệ BMW, Công ty SanBi Sangyo, Công ty CP Takumi Shudan Sola, Hội chuyên gia Việt – Nhật, Trường Đại học Hinoshima.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội, đại diện các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội; đại diện Hội Nông dân ở Hà Nội; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và trên 100 các đại biểu đến từ các hợp tác xã, chủ trang trại, nông hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của các huyện: Ba Vì; Sóc Sơn; Quốc Oai; Thanh Oai; Thạch Thất; Ứng Hòa,.. Nhiều đơn vị báo chí, nhà báo, phóng viên tới dự Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tìm giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam vào xử lý môi trường nông nghiệp nông thôn nói chung và ô nhiễm môi trường chăn nuôi nói riêng.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Đào Ngọc Nam – Chủ tịch HĐQT AnVietGroup cho biết, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Hà Nội đã qua thời kỳ thảo luận, đang ở giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng và thực hành. AnVietGroup coi đây là trách nhiệm, là xứ mệnh đối với nền nông nghiệp của Thủ đô. Tâm nguyện của Chúng tôi là hướng dẫn, đồng hành cùng bà con, để cùng xây dựng một cộng đồng sản xuất, cộng đồng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp sạch – xanh – phát triển bền vững.
Để giải quyết vấn đề này, Công nghệ vi sinh, khoáng và nước (công nghệ BMW) đã được phát triển mô phỏng theo hệ thống tuần hoàn của thế giới tự nhiên, tận dụng hiệu quả các chất hữu cơ từ đất, kích hoạt “vi khuẩn (vi sinh vật)” có sẵn trong đất. Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế và đang sử dụng rộng rãi trên thế giới, tiêu biểu là khu vực Châu Á.
Chủ tịch Hội đồng quản trị An Việt Group cho biết, Công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm như hiện nay là xử lý được và việc chi phí cho xử lý giảm được rất là nhiều, như vậy sẽ phù hợp với Việt Nam. Đối với Công nghệ này có thể áp dụng đối với cả các lĩnh vực chăn nuôi một cách rất là đơn giản và có thể cũng áp dụng với quy mô trang trại lớn. Tuy nhiên, các quy mô trang trại lớn phải đầu tư xây dựng nhiều hơn, còn đối với quy mô nhỏ theo chủ trương là vẫn có thể sử dụng Công nghệ này một cách đơn giản nhất, chi phí cũng thấp nhất.
Thông tin tại Hội thảo cho biết, ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, tạo sinh kế cho hàng triệu người dân lao động, tuy nhiên, khi ngành chăn nuôi càng phát triển thì hệ lụy đến môi trường ngày càng tăng nhanh. Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có trên 60 triệu tấn phân và hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra môi trường trong số đó mới chỉ khoảng trên 20% được xử lý tái sử dụng phần còn lại gần 80% chưa qua xử lý điều này vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời là nguồn gây phát sinh dịch bệnh mất an toàn thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội.
Chia sẻ về tình hình chăn nuôi và xử lý môi trường chăn nuôi ở Việt Nam, ông Đỗ Hoàng Thạch cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nóng của ngành chăn nuôi, ngành này đang tạo sinh kế cho khoảng trên 10 triệu người dân, có sự phát triển vượt bậc, nhưng việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang có nhiều nhức nhối và thách thức, nhất là tỷ lệ hộ nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ rất lớn, xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ xử lý môi trường và thực hành nông nghiệp tuần hoàn.
“Do vậy, vấn đề xử lý môi trường, thực hiện nông nghiệp tuần hoàn vừa là tất yếu, nhưng cũng là cấp thiết với Việt Nam nói chung, trong đó có Hà Nội”, ông Thạch nhấn mạnh.
Tham dự Hội thảo, một số đối tác đến từ Nhật Bản của AnVietGroup trình bày về các nội dung: Ứng dụng công nghệ vi sinh, khoáng và nước xử lý môi trường chăn nuôi (Ông SumieAkiyama – Phó GĐ Công ty CP Takumi Shudan Sola), Giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn qua ứng dụng công nghệ vi sinh, khoáng và nước (Ông Kozo Ito - Giám đốc Công ty CP Takumi Shudan Sola), Giải pháp làm sạch nước và sử dụng sinh khối (Ông Senoo – TGĐ Công ty SanBi Sangyo).
Theo các chuyên gia Nhật Bản, những vấn đề hệ luỵ về mặt môi trường của nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi hiện nay ở Việt Nam cũng cơ bản giống ở Nhật Bản khoảng 40 năm trước. Và khi đó, Nhà nước Nhật Bản đã rất quyết liệt trong việc ban hành các quy định, quy chuẩn để vừa có tính chất hướng dẫn, vừa khiến người dân phải tuân thủ, hướng đến bảo vệ môi trường chung và bền vưỡng.
Chuyên gia cho hay, Nhật Bản chú trọng tới việc xây dựng các mô hình để ứng ụng công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp, chăn nuôi, vừa giúp xử lý được các vấn đề về môi trường, vừa sử dụng tiếp được các chất thừa, thải, đã qua sử dụng trước đó, để tạo thành vòng có tính tuần hoàn. Theo các chuyên gia, quá trình đó được hiểu đơn giản là nông nghiệp tuần hoàn.
Tại phần tham luận, nhiều đại biểu là nông hộ, đại diện HTX đến từ nhiều huyện ở Hà Nội chia sẻ những thắc mắc trong việc xử lý trang trại nuôi gà, nuôi bò sữa, nuôi lợn – những nhóm gia súc gia cầm đang được chăn nuôi nhiều ở ngoại thành Hà Nội. Các câu hỏi được thảo luận sôi nổi, được Ban Tổ chức tổng hợp, trả lời tại Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Chí - Phó CVP TT VP NTM Hà Nội cho biết, vấn đề môi trường trong nông nghiệp ở Hà Nội đang có nhiều nhức nhối, lãnh đạo Thành phố rất quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ và thực hành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn, làm sao để nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hà Nội sớm đạt các tiêu chí: sáng – xanh – sạch – đẹp.
Ông Chí nêu một số nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp các địa phương cần tập trung chú ý thực hiện, trong đó nhận thức của cả cán bộ và người nông dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cần phải được nâng cao, xem như trách nhiệm; khẩn trương tổ chức ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp, dễ dùng như công nghệ vi sinh, khoáng và nước xử lý môi trường trong chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đối với các nhóm đối tượng (modul), từ đó nhân rộng. Ông Chí cũng đề nghị đại diện các địa phương, chi cục, trung tâm thuộc ngành nông nghiệp của Thành phố cần rà soát ngay các bất cập, vướng mắc, để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Công nghệ BMW được viết tắt bởi 3 chữ cái: B (Bacteria - vi sinh), M (Mineral – Khoáng chất), W (Water - nước). Công nghệ BMW được mô phỏng theo hệ thống tuần hoàn của thế giới tự nhiên, tận dụng hiệu quả các chất hữu cơ từ đất, kích hoạt “vi khuẩn (vi sinh vật)” có sẵn trong đất. Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế và đang được sử dụng rộng rãi thế giới, tiêu biểu là khu vực Châu Á.
Công nghệ mượn sức mạnh của các vi sinh vật trong thế giới tự nhiên để biến nước thải hữu cơ (phân, nước tiểu) thành “Nước tốt cho động vật” bằng cách sử dụng vi sinh và đá. “Nước tốt cho động vật” này sẽ giúp điều chỉnh đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn tốt hơn, đồng thời giảm mùi hôi của phân → phân lỏng được tái tạo thành phân bón cho cây trồng hoặc được tái sử dụng làm nước rửa chuồng trại chăn nuôi.
Ở Việt Nam, AnVietGroup là đơn vị đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tổ chức ứng dụng công nghệ BMW. Tiền thân của AnVietGroup là Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt, được thành lập từ năm 2007. Sau hơn 15 năm thành lập, xây dựng và phát triển, AnVietGroup hiện có 10 đơn vị thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Nông nghiệp; Thực phẩm và Công nghệ (Công nghệ AI, Công nghệ sinh học), với đội ngũ giáo sư, chuyên gia và cán bộ, nhân viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm.
Những năm qua, AnVietGroup được Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, UBND TP. Hà Nội trao tặng nhiều bằng khen và đạt được các thành tích tiêu biểu như: Sở hữu 03 Sàn thương mại điện tử, đạt giải thưởng Sao Khuê, Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Phạm Tài