Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 2020 và được định vị là hoạt động thường niên của VINASA, nhằm tôn vinh những địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tiên phong, tiêu biểu trong hành trình xây dựng đô thị thông minh.
Qua đó, giải thưởng góp phần ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức… trên cả nước trong công tác xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Năm 2024, Giải thưởng đã nhận được 70 đề cử, sau các vòng sơ tuyển, thuyết trình thẩm định và chung tuyển, Hội đồng Giám khảo đã quyết định trao 19 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam lần thứ 5, gồm: 10 đề cử từ các thành phố; 9 giải pháp công nghệ; Hội đồng cũng quyết định khen thưởng nỗ lực phát triển của 1 thành phố.
Theo Ban tổ chức, đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm châu Á. Đô thị hóa đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Việt Nam đang vươn mình trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà quản lý đang định hướng đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; số lượng đô thị từ 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2045, hệ thống đô thị có mức liên kết, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng cao và đặc biệt là xanh, hiện đại, thông minh.
Đánh giá chung về các đề cử tham gia năm nay, Ban Tổ chức nhận thấy, các tỉnh triển khai tốt đô thị thông minh qua mỗi năm đều có sự tiến bộ, thay đổi rõ rệt như thành phố Đà Nẵng, thành phố Thủ Đức, thành phố Tây Ninh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Trong đó, Thành phố Hà Nội được vinh danh 2 giải trong lĩnh vực “Thành phố hạ tầng thông minh” và “Thành phố dịch vụ công thông minh”.
Theo đánh giá của VINASA, Hà Nội đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đạt tỷ lệ 99,99%.
Mạng di động 4G và hạ tầng cáp quang đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 90%; số thuê bao di động băng rộng đạt tỷ lệ 121%. Dự kiến đến hết năm 2024, các doanh nghiệp lắp đặt khoảng 2.000 trạm 5G trên địa bàn Hà Nội.
Hà Nội hiện có 16/33 trung tâm dữ liệu, chiếm hơn 48% số trung tâm dữ liệu của cả nước. Thành phố Hà Nội là một trong 5 thành phố được Trung ương giao thí điểm mô hình trung tâm phục vụ hành chính công và là đơn vị đầu tiên đưa mô hình này vào vận hành.
Hương Mi