Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất và bán hàng nội địa cần tích cực làm mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị “đè bẹp” bởi hàng Trung Quốc.
Những năm trở lại đây nhờ thói quen mua sắm mới, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trở nên sôi động. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã có 1,533 triệu sản phẩm của 5 sàn lớn nhất là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop giao thành công tới tay khách hàng, tăng 65,55% so với cùng kỳ 2023.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam có hơn 61 triệu người Việt mua sắm online. Trong đó, người dùng GenZ (sinh từ năm 1997 trở đi) gần như truy cập ứng dụng mua sắm online như Shopee, Tiki, Lazada, Tiktok Shop,… hàng ngày.
Định vị thương hiệu Việt trên sàn thương mại điện tử
Sự xuất hiện của Temu thời gian qua được xem là “cơn sốt” mới. Với các sản phẩm giá siêu rẻ, từ đồ gia dụng, thời trang đến phụ kiện công nghệ cùng những ưu đãi khủng và thời gian giao hàng nhanh chóng, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
“Cơn sốt” này một lần nữa khiến nhiều người lo ngại về việc hàng Trung Quốc đã và đang hiện diện trên các sàn thương mại điện tử sẽ “đè bẹp” hàng nội địa, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Thực tế, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam đã là câu chuyện tồn tại lâu nay. Không chỉ tràn lan trên sàn thương mại điện tử mà ngay cả các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, đâu đâu cũng thấy hàng Trung Quốc rẻ hơn so với hàng sản xuất trong nước từ 20 - 30% và liên tục thay đổi mẫu mã, thiết kế để thu hút người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các mặt hàng nội địa không tỏ ra lép vế mà vẫn đang được người tiêu dùng trong nước lựa chọn, đặc biệt qua cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nhiều năm qua.
Theo khảo sát của Bộ Công thương, số lượng mặt hàng nội địa trên các sàn thương mại điện tử đang có dấu hiệu gia tăng. Trả lời báo chí gần đây, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee - cũng cho biết, tỷ trọng hàng bán trực tiếp từ các shop nước ngoài trên sàn dưới 10%, còn lại là sân chơi của các nhà bán hàng nội địa. Đặc biệt, không dừng lại ở các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng,... mà nhiều người bán đã đưa các sản phẩm đặc sản địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Bà Trần Băng Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Bee Farm - chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ định đưa các sản phẩm đặc sản Tây Nguyên như cà phê, mật ong, trà,... lên Shopee, Amazon để thử nhu cầu người tiêu dùng. Kết quả ghi nhận được những đánh giá tích cực, nhờ đó có lượng khách hàng tìm đến nhiều hơn. Mua bán hàng online vẫn đang là xu hướng, nếu người bán biết cách xây dựng hình ảnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm và quy trình chăm sóc khách hàng tốt thì tôi tin hàng Việt vẫn được ưu tiên lựa chọn trên sàn thương mại điện tử”.
Tiếp sức cho sản phẩm thương hiệu Việt
Trước sự phát triển như vũ bão của hàng Trung Quốc giá rẻ, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2024, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương – cho rằng hàng hóa trên các sàn thương mại điện có giá rất thấp, ít tiền nhưng cùng với mức giá, các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó, xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý.
Hiện Bộ Công thương đang triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử.
Ngày 23/10, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương về các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh những mặt tích cực do các sàn thương mại điện tử đem lại, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng công tác quản lý chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân… trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhất là nhà cung cấp từ nước ngoài.
Sở Công Thương TP.HCM đề xuất tăng cường kiểm tra sự tuân thủ của các sàn thương mại điện tử quốc tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc ban hành các quy định về thuế quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử cũng là điều cần thiết, nhằm đảm bảo các nền tảng phải tuân thủ quy định về thuế, đảm bảo quyền lợi cho ngân sách quốc gia và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp nội địa.
Không chỉ có cơ quan chức năng đang tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thời gian qua, nhiều sàn thương mại điện tử cũng đang tích cực hỗ trợ các nhà bán hàng nội địa.
Năm 2022, giữa thời điểm nông sản trong nước bị ứ đọng, không có đầu ra, sàn thương mại điện tử Tiki đã triển khai chiến dịch dài hạn “TikiDELI đồng hành cùng nông sản Việt” nhằm tập trung tạo kênh phân phối nông sản bền vững cho nông dân.
Hay như chương trình "Trăm doanh nghiệp - Vạn đơn hàng - Triệu tài khoản" triển khai từ tháng 8/2024 trên Tiktok Shop nhằm quảng bá định kỳ hàng tháng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp OCOP, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), tập trung vào nhiều nhóm ngành nghề như lương thực - thực phẩm, thời trang, điện tử gia dụng và các sản phẩm bán lẻ khác.
Vào tháng 9/2024, Công ty TNHH Shopee phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) khởi động triển khai CSR (Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) với tên gọi “Shopee hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam” (Shopee Enbables SMEs). Hoạt động này phản ánh cam kết của Shopee trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Theo đó, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam sẽ được hỗ trợ, đào tạo về các kỹ năng tiếp cận thương mại điện tử. Bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp kiến thức và công cụ để hoạt động trong thị trường kinh tế số, Shopee giúp đảm bảo rằng các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa.
"Shopee hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam" không chỉ là một sáng kiến ngắn hạn, mà còn thể hiện cam kết lâu dài của Shopee về thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trong việc phát triển và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.
Hiện có hơn 350.000 SMEs và hơn 1.000 thương hiệu Việt Nam đã được Shopee hỗ trợ phát triển thị trường ASEAN thông qua nền tảng quốc tế của sàn, giúp giảm thiểu khó khăn và chi phí phát sinh khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu nhờ ứng dụng thương mại điện tử.
Trước đó, Shopee cũng đưa ra nhiều chương trình đồng hành cùng nhà bán hàng địa phương quy mô nhỏ gồm “Tinh hoa Việt Du Ký”, “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử”... như một phần cam kết của sàn trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà bán hàng địa phương phát triển lâu dài.