Tham dự Tọa đàm có gần 150 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà ngoại giao, những người đã từng tham gia chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO để công nhận Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”; đại diện các hội hữu nghị và tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và bạn bè quốc tế đến từ các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế.
Tham luận tại Tọa đàm, bà Jane Runkat, Đại diện lâm thời Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam đánh giá cao sự chuyển mình của Hà Nội, từ những vết thương trong chiến tranh trở thành Thành phố vì hòa bình và phát triển. Hà Nội đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để giải quyết các thách thức về môi trường như không gian xanh đô thị và cải thiện giao thông công cộng. Những nỗ lực này góp phần tạo nên lối sống lành mạnh và phù hợp với các mục tiêu xây dựng hòa bình toàn cầu bằng cách nâng cao nhận thức về môi trường.
“Việc công nhận Hà Nội là Thành phố vì hòa bình của UNESCO có thể truyền cảm hứng cho các thành phố khác theo đuổi con đường hòa bình và phát triển tương tự. Đây là một minh chứng cho việc biến những thách thức trong quá khứ, hiện tại và tương lai thành những cơ hội mang tính xây dựng để tăng trưởng, có khả năng phục hồi, hợp tác và phát triển toàn diện”, bà Jane Runkat nói.
Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch HAUFO cho biết, đến nay, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Điều đó thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống văn hóa hòa hiếu, cũng như khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
“Đây vừa là vinh dự, vừa là thách thức lớn lao để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hoà bình trường tồn trên trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập”, bà Trần Thị Phương chia sẻ.
Tọa đàm đã nhận được 12 tham luận cùng nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu trong nước và quốc tế về các chủ đề như: phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội; hành trình đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh, khỏe mạnh, đáng sống; xây dựng Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô trong hội nhập quốc tế và tham gia xây dựng Thủ đô…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch HAUFO đánh giá các tham luận đều được chuẩn bị với nhiều tâm huyết, đem đến những ý kiến quý báu, tạo động lực giúp HAUFO tiếp tục thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ hòa bình hữu nghị hơn nữa. Từ đó, quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy trong mọi tầng lớp Nhân dân về tình yêu và khát vọng hòa bình, vươn lên phát huy giá trị của danh hiệu cao quý “Thành phố vì hòa bình” để mãi xứng tầm, tiêu biểu cho cả khu vực và thế giới.
Phạm Linh