Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức

Admin
Chiều 12/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Báo Lao động tổ chức hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức”.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”.

Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức”.

 

Triển khai Chỉ thị 12, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Để đẩy lùi tín dụng đen, theo nhiều ý kiến trình bày tại Hội thảo, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có Bộ Công an với vai trò là đơn vị đầu mối trong triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg, đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực, đây là cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay.

Đặc biệt, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an cần phối hợp các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công thương, Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. 

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế. Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020, tăng 9,55% so với cuối năm 2018 và tăng 5,4% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%. 

Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 10/2021 đạt hơn 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

“Với nhiều giải pháp tích cực, hệ thống ngân hàng cùng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng đến các thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển”, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nêu rõ.

 
HỒNG ANH/ báo Nhân Dân