Bát nháo thị trường bánh trung thu nhập lậu

Quyền Trung
(SHTT) - Càng gần dịp Trung Thu, nhiều loại bánh trung thu giá rẻ, nhập lậu, hết hạn  trôi nổi dày đặc trên thị trường. Trước thực trạng này các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, không nên mua những sản phẩm có màu sắc bắt mắt, hấp dẫn….

Liên tục thu giữ các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian này, cơ quan quản lý thị trường ở các địa phương liên tục kiểm tra và phát hiện các cơ sở sản xuất, gia công và kinh doanh sản phẩm bánh trung thu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý thị trường nêu rõ các sản phẩm bánh trung thu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Hoạt động sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo được đánh giá là mang lại lợi nhuận rất cao do giá nguyên liệu rẻ, chi phí nhân công thấp, nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này.

BANH TRUNG THU

Ngăn chặn hơn 4000 bánh Trung thu lậu chuẩn bị tiêu thụ tại Hà Nội

Qua công tác kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường tại các địa phương thường phát hiện dấu hiệu vi phạm tại một số cơ sở nhỏ, thủ công. Lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở này là đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, cơ sở sản xuất chật hẹp, nhân viên không được khám sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch.

Cụ thể, ngày 7/8, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại số 4 Đặng Dung, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh nướng 50gr/chiếc do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.

Trước đó, ngày 6/8, kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại địa chỉ số 115, Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại, (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.

TRUNG THU1

Ngày 28/8/2024, tại tỉnh Hưng Yên, Tổ công tác Đội 3 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện một cơ sở kinh doanh đang bán gần 2.800 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Ngọc (ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), Tổ công tác phát hiện cơ sở đang bày bán 2.760 chiếc bánh Trung thu có nhãn mác ghi bằng chữ nước ngoài, không xác định được ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, bà Ngọc không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của số bánh trung thu trên.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Ngọc về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, xử phạt số tiền 13.500.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Tại Đà Nẵng, ngày 22/8, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Thanh Khê bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ K96 Điện Biên Phủ (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê) do bà T.T.A.T (33 tuổi, ngụ tại địa chỉ trên) làm chủ.

TRUNG THU2

Số bánh Trung thu bị tạm giữ tại cơ sở kinh doanh của bà T.T.A.T

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 810 sản phẩm bánh trung thu các loại có nhãn mác ghi bằng chữ nước ngoài. Lúc này, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên.

Bà T.T.A.T cũng thừa nhận bà mua bánh trung thu số lượng lớn "trôi nổi" từ nhiều nguồn trên mạng xã hội để bán lại kiếm lời. Hiện Công an Q.Thanh Khê tạm giữ toàn bộ lô hàng bánh trung thu chưa rõ nguồn gốc để tiếp tục xác minh, xử lý.

Theo các cơ quan chức năng, việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm gặp rất nhiều khó khăn bởi những trường hợp kinh doanh hàng thực phẩm nhập lậu này chỉ có thể xử phạt hành chính. Mức phạt cụ thể tùy thuộc vào giá trị của lô hàng. Thực tế, số tiền bị phạt so với lợi nhuận thu được chẳng đáng là bao nên họ vẫn bất chấp để kiếm lời

Bánh trung thu giá rẻ, chất lượng thấp, nhập lậu là một thực tế tồn tại suốt nhiều mùa trung trung thu. Các loại bánh này được nhập về theo đường tiểu ngạch và cất giữ tại các kho kín để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Dấu hiệu nhận biết sản phẩm bánh trung thu không đảm bảo chất lượng

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra hướng dẫn cách chọn bánh Trung thu an toàn. Theo đó, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần lưu ý, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Để làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra ngộ độc trong dịp Tết Trung thu, bên cạnh sự vào cuộc kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân một số dấu hiệu nhận biết sản phẩm bánh trung thu không đảm bảo chất lượng:

Trước hết, người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không sử dụng bánh đã mốc, hỏng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm về, khi mở ra sử dụng cũng cần quan sát màu sắc bên trong, mùi vị đặc trưng của bánh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng nên hợp tác, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nơi gần nhất để đề phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần nhận biết những dấu hiệu bánh trung thu kém chất lượng khi quan sát bằng mắt thường. Đối với nhãn mác sản phẩm, các cơ sản xuất và kinh doanh bánh trung thu thường kiếm thêm lợi nhuận bằng cách mua trọn bộ logo, tem giả của thương hiệu nổi tiếng để “ngụy trang” lên bánh giả. Với cách này, người tiêu dùng nếu chỉ nhìn qua khó có thể phân biệt được bánh thật và bánh kém chất lượng.

Bánh trung thu thật sẽ có logo in trực tiếp vào hộp bánh, dưới đáy hộp bánh có in thành phần bánh, tên công ty, thương hiệu, xuất xứ. Ngược lại, với bánh trung thu giả, logo thường được dán bên ngoài hộp bánh, hình ảnh logo không sắc nét, không có tên công ty, nhãn hiệu, xuất xứ, khiến người tiêu dùng không biết nguồn gốc của bánh ở đâu?

Về chất lượng sản phẩm, trường hợp bánh kém chất lượng, bánh nướng sẽ có màu vàng sậm, hơi xém và không tươi màu vỏ trứng. Khi cắt bánh, bánh sẽ bị bở, nhân rời rạc. Bánh có đặc trưng mùi hóa học, vị chua hoặc mùi lạ, khi để lâu bị chảy dầu ra xung quanh hộp và bỏ. Nếu là bánh dẻo sẽ có màu trắng đục, ngả vàng. Khi cắt bánh cứng, không dẻo, nhân có mùi lạ. Vỏ bánh quá ngọt mùi đường hóa học, không ngọt thanh theo kiểu bánh truyền thống.

Nên chọn bánh nướng có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy độ mềm và đàn hồi nhẹ là bánh ngon. Tránh những bánh quá bóng vì đó là biểu hiện để đã lâu, chứa nhiều dầu. Về bánh dẻo nên chọn bánh hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh, khi ấn vào cảm thấy vỏ bánh mềm nhưng không dính, không nhão. Ngoài ra, cần chọn bánh trung thu được bày bán ở những nơi sạch sẽ, khô ráo và không ẩm mốc.

Tết Trung thu là một dịp để cùng sum vầy hưởng tình thương yêu và niềm vui cùng gia đình và bạn bè. Hãy tận hưởng mỗi khoảnh khắc…, chọn bánh Trung thu một cách cẩn thận để đảm bảo gia đình và tất cả mọi người có một mùa Trung thu trọn vẹn và an lành.

Hữu Phúc