Từ một công nhân ham học hỏi, anh Long đã vượt qua bao thất bại, trắng tay để rồi đứng lên, sáng lập Công ty Cổ phần Năng lượng Sạch Hải Vân (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) nơi hiện thực hóa khát vọng làm sạch TP Đà Nẵng quê hương.
Từ công nhân đến giấc mơ khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Trương Tử Long tốt nghiệp Cao đẳng Điện lực với tấm bằng kỹ thuật trong tay. Nhưng anh không muốn tuổi trẻ của mình trôi qua trong những giờ hành chính đều đặn, đôi khi nhàn rỗi đến mức khiến anh cảm thấy phí hoài thời gian.
Quyết định từ bỏ công việc ổn định tại ngành điện lực, anh chuyển sang làm việc tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Liên Trì (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) nơi chuyên chế tạo máy băm dăm gỗ. Chính tại đây, mỗi ngày đi làm, anh chứng kiến hàng tấn nguyên liệu – từ thân cây, cành lá – bị bỏ phí, chất đống thành rác mà không ai để tâm.

Chân dung anh Trương Tử Long, người trẻ đã hiện thực hóa việc biến rác thành nguồn năng lượng tái tạo xanh.
Tò mò và đam mê khám phá, anh Long bắt đầu mày mò nghiên cứu. Từ những ngày làm công nhân, anh dần tích lũy kiến thức về tái tạo năng lượng sạch từ phế phẩm cây xanh.
“Dù ý tưởng này không mới, nhưng ở Việt Nam hay trong thành phố Đà Nẵng, hiện nay vẫn chưa ai xử lý vấn đề này ở quy mô lớn, như cấp thành phố. Đa phần chỉ làm nhỏ lẻ, manh mún,” anh chia sẻ với ánh mắt đầy quyết tâm. Ý nghĩ tận dụng nguồn rác thải từ cây xanh sau khi chặt tỉa để tạo ra giá trị kinh tế và môi trường dần nhen nhóm trong anh.
Hành trình gian nan: Thất bại, trắng tay và đứng dậy
Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường bằng phẳng, và với Trương Tử Long cũng vậy. Trước khi chạm đến thành công hôm nay, anh từng thử sức trong lĩnh vực nội thất. Nhưng thiếu kinh nghiệm, cộng với thị trường ảm đạm trong những năm đại dịch Covid-19, anh mất trắng vốn liếng. Những tưởng thất bại ấy sẽ khiến chàng trai trẻ chùn bước, nhưng ngọn lửa khát vọng làm chủ, làm giàu trong anh vẫn âm ỉ cháy. Năm 2021, với quyết tâm làm lại từ đầu, anh mạnh dạn vay mượn gia đình 1,2 tỷ đồng để đầu tư máy băm công nghiệp, băng chuyền, máy gắp gỗ và xây dựng nhà xưởng. Giấc mơ biến rác thành tiền chính thức bắt đầu.

Hiện Năng lượng sạch Hải Vân rất mong muốn được tạo điều kiện để thuê đất phù hợp để tự tin đầu tư công nghệ và phát triển sản xuất lâu dài.
Thế nhưng, thực tế không đơn giản như kế hoạch trên giấy. Máy móc liên tục gặp sự cố, chi phí bảo dưỡng và thay thế linh kiện đắt đỏ khiến anh không ít lần rơi vào bế tắc. Hai năm đầu khởi nghiệp, áp lực tài chính đè nặng: mỗi tháng, anh phải chi hơn 150 triệu đồng cho vận hành, bảo trì và trả lương nhân công. Thị trường chưa ổn định, sản phẩm chưa hoàn thiện, đối tác thì khó tìm. “Có những lúc tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ,” anh Long hồi tưởng lại những ngày tháng khó khăn nhất.
Khát vọng làm sạch thành phố
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi những doanh nghiệp đầu tiên tìm đến đặt hàng. Những đơn hàng nhỏ ban đầu như liều thuốc tiếp thêm động lực cho anh Long. Dần dần, đơn hàng lớn hơn xuất hiện, việc kinh doanh khởi sắc. Tháng 11/2023, anh chính thức thành lập Công ty Cổ phần Năng lượng Sạch Hải Vân, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình khởi nghiệp.
Công việc không chỉ dừng lại ở việc xử lý thân và cành cây. Lá cây sau khi băm nhuyễn được anh Long tận dụng để ủ làm giá thể đất trồng – một sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, anh thừa nhận, khâu phân loại nguyên liệu đầu vào là thử thách lớn nhất. “Việc này vẫn làm thủ công, mất rất nhiều thời gian và công sức,” anh nói.

Phế phẩm cây xanh sau khi được Năng lượng sạch Hải Vân xử lý để tái tạo thành năng lượng xanh.
Từ bãi đất hoang đầy phế phẩm cây xanh ở xã Hòa Phước, anh Long đã biến nơi đây thành xưởng sản xuất nhộn nhịp khi xe của cây xanh đô thị, xe chở rác của điện lực đưa rác về “tái sinh. Bên cạnh đó. Anh mong muốn được thành phố tạo điều kiện thuê đất gần Bãi rác Khánh Sơn để thuận tiện xử lý nguồn rác thải phân loại, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực xử lý. “Nếu được hỗ trợ, chúng tôi sẽ đầu tư trang thiết bị, công nghệ để có thể xử lý tái tạo khối lượng rác lớn hơn, góp phần làm sạch môi trường thành phố,” anh bày tỏ.
Không dừng lại ở việc tái chế rác cây xanh, Trương Tử Long còn ấp ủ một tham vọng lớn hơn: biến rác hữu cơ từ thức ăn thừa thành nguồn tài nguyên hữu ích. Với anh, mỗi mẩu thức ăn bị bỏ đi đầy lãng phí sẽ là cơ hội để tạo ra giá thể đất trồng giàu dinh dưỡng, hỗ trợ nông nghiệp bền vững.
Anh Long chia sẻ dự định bắt đầu thử nghiệm tại các trường tiểu học nội trú (trường tiểu học Ngô Gia Tự), các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nơi mỗi ngày thải ra hàng tấn rác thực phẩm. “Nếu thành công, tôi muốn nhân rộng mô hình này ra khắp thành phố, biến rác hữu cơ thành giải pháp cho môi trường và nông nghiệp,” anh Long hi vọng.

Anh Trương Tử Long - Giám đốc công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân, một người trẻ Đà Nẵng khởi nghiệp từ việc tái tạo năng lượng xanh.
Tuy nhiên, anh cũng không giấu nỗi lo về chi phí vận chuyển rác từ nội thành về xưởng, cách xa hàng chục kilômét. Để hiện thực hóa ý tưởng này, anh mong mỏi sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức trong việc xây dựng hệ thống thu gom hiệu quả, giảm bớt gánh nặng vận chuyển, từ đó đưa rác thức ăn thừa trở thành “vàng ròng” trong tay người thanh niên giàu khát vọng.
Sau hơn ba năm nỗ lực không ngừng, Công ty Cổ phần Năng lượng Sạch Hải Vân của Trương Tử Long đã ghi dấu ấn rõ nét trên hành trình biến rác thành tài nguyên. Hiện tại, công ty không chỉ cung cấp ổn định 100-500 tấn gỗ băm dăm mỗi tháng cho các doanh nghiệp năng lượng lớn tại Đà Nẵng mà còn sản xuất 5 tấn giá thể đất trồng, đáp ứng nhu cầu của các hợp tác xã, trang trại và người dân địa phương.

Năng lượng sạch Hải Vân trình bày trước Sở Khoa học và Công nghệ về nhiệm vụ năm 2025.
Các đối tác tên tuổi như Công ty Cổ phần Cao Su Đà Nẵng (DRC), Nhà máy sữa Vinamilk, Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng hay các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh đã tin tưởng lựa chọn sản phẩm của Hải Vân Xanh, minh chứng cho chất lượng và uy tín mà anh Long dày công xây dựng. Doanh thu bình quân 2 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2023-2024 là con số ấn tượng của một doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng với anh, thành quả lớn nhất không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn ở giá trị môi trường và xã hội: giảm thiểu rác thải, tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Năng lượng sạch Hải Vân tham quan và chuẩn bị hướng kết hợp vi sinh vào công việc xử lý rác hữu cơ cùng Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Đà Nẵng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đánh giá Tái Tạo Năng Lượng Xanh là một mô hình tiêu biểu, không chỉ giải quyết bài toán môi trường mà còn mở ra hướng đi bền vững cho kinh tế tuần hoàn, trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp trẻ khác tại Đà Nẵng và xa hơn nữa.
Từ những đống rác tưởng chừng vô giá trị, Trương Tử Long và Năng Lượng Sạch Hải Vân đã viết nên một câu chuyện truyền cảm hứng về lòng kiên trì, khát vọng cống hiến, để lại dấu ấn xanh cho Đà Nẵng – một thành phố không chỉ đẹp mà còn bền vững, nơi mỗi mẩu rác đều có thể “nở hoa” thành hy vọng.
Bảo Hòa