Thông xe cầu Bến Rừng: Tăng cường hợp tác, kết nối khai thác lợi thế Quảng Ninh - Hải Phòng

Quyền Trung
Ngày 17/7, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng tổ chức thông xe cầu Bến Rừng. Đây là công trình hành lang đường bộ thứ 3 nối liền 2 địa phương, nắm giữ vai trò là 2 đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc, mang ý nghĩa hiện thực hóa chương trình hợp tác, kết nối liên vùng cùng thúc đẩy phát triển.

Với nhiều điểm tương đồng, sở hữu tiềm năng, lợi thế, nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương trong mục tiêu xây dựng và phát triển tổng thể KT-XH Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từ năm 2009, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã có nhiều chương trình hợp tác, đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đổi mới, phát triển.

Đến nay 2 địa phương đã có nhiều thành tựu chung cả trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và hợp tác du lịch, khi cùng tham gia trục cao tốc phía Đông với mục tiêu kiến tạo một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế có quy mô lớn, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng. Trong đó, điểm nhấn là thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh.

1

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng cùng kiểm tra tiến độ thi công cầu Bến Rừng.  

Các cơ quan chức năng 2 bên đã tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đảm bảo nhanh, gọn, thông thoáng để khai thác hiệu quả cảng biển Quảng Ninh gắn kết với cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng XNK thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Điều này đã giúp các KCN của 2 địa phương có thể kết nối nhanh nhất tới cảng biển, cửa khẩu, nguồn nhân lực; Quảng Ninh trở thành vùng hậu cần logistics bền vững cho công nghiệp cảng biển Hải Phòng vốn đang rất chật hẹp. Từ đó, tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất, đáp ứng nhiều sản phẩm kết hợp. Đây là điểm cộng, động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư, để hình thành chuỗi sản phẩm kinh tế có chất lượng cao của cả vùng.

Trong giao lưu văn hóa và hợp tác du lịch, nhiều năm qua Di sản, kỳ quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có sự liên kết chặt chẽ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm thông qua việc hình thành các tuyến du lịch, tour liên kết, hợp tác; tăng tính hấp dẫn cho tiềm năng du lịch, đồng hành cùng khai thác và cùng bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thông, 2 địa phương đều thống nhất chủ trương cân đối ngân sách địa phương, phối hợp báo cáo Bộ GT-VT đề nghị triển khai nhiều công trình giao thông mới, mang tính liên thông, đồng bộ, tổng thể. Cùng với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp QL10, cuối năm 2018, Quảng Ninh khánh thành, đưa cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào khai thác và đến nay là công trình cầu Bến Rừng.

Đây là những hành làng giao thông đường bộ quan trọng, động lực đón đầu cơ hội phát triển mới khi phía Tây của Quảng Ninh đang được xác định là trung tâm chuyển dịch kinh tế của các ngành công nghiệp công nghệ cao, nơi có TP Uông Bí và TX Đông Triều, TX Quảng Yên được định vị là cực tăng trưởng mới của tỉnh. Bên kia bờ sông Đá Bạch lại là huyện Thủy Nguyên đang trong lộ trình trở thành thành phố vào năm 2025, là trung tâm hành chính, chính trị mới của Hải Phòng.

Theo kế hoạch, cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng có thêm hành lang giao thông thứ tư khi cầu Lại Xuân nối TX Đông Triều với huyện Thủy Nguyên có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng được đưa vào khai thác. Quảng Ninh đang đẩy mạnh triển khai dự án đường ven sông tốc độ cao kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều và sẽ đấu nối vào các hành lang giao thông này, để cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, cung ứng nguồn nhân lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Điều đáng ghi nhận, để tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi, trong quá trình thi công các công trình, lãnh đạo 2 địa phương thường xuyên có những cuộc kiểm tra chung; trực tiếp xuống công trường để chỉ đạo, động viên, đôn đốc các nhà thầu “vượt nắng, thắng mưa”, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ. Các công trình hoàn thành đưa vào khai thác, rất nhanh đã phát huy hiệu quả sau đầu tư, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải; phát huy dư địa đất đai, mở rộng không gian phát triển. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương, nhất là nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi dự án đi qua; thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 2 vùng.

2

Cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng. 

Sự hợp tác liên thông, tổng thể giữa 2 địa phương với sự thống nhất, đồng tình ủng hộ cao từ Trung ương đến nhân dân đã nhanh chóng đem lại nhiều kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH khi cả hai luôn là những địa phương dẫn đầu về tăng trưởng, thu hút đầu tư, cải cách hành chính của cả vùng. Từ đó, nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong vùng và liên vùng, thúc đẩy liên kết với các khu vực xung quanh để phát triển kinh tế, hạ tầng, đảm bảo sự bền vững, hài hòa với môi trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Đỗ Phương