Quảng Ninh tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng.

Quyền Trung
Sau bão Yagi, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 117.000ha rừng bị thiệt hại từ 30-100%. Phần lớn diện tích rừng bị thiệt hại là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn… bị gãy thân, đổ bật gốc, gãy cành... Đặc biệt, 100% cây bị hại đều có lá bị tuốt rụng.

Điều này cộng với thời tiết khô hanh, cùng với một số nguyên nhân chủ quan của chủ rừng trong quá trình thu gom xử lý rừng bị thiệt hại dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng là rất lớn.

Để sớm khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng cháy thực bì trong rừng, cháy rừng và những hệ lụy môi trường liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng.

1

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng thuộc khu vực từ khu 5 đến khu 7, phường Hồng Hà, TP Hạ Long tối 4/10 vừa qua. Ảnh: Thanh Tùng 

Trong đó, các chủ rừng trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, báo cáo biến động rừng trên diện tích quản lý, đặc biệt đối với diện tích bị thiệt hại do bão Yagi. Chính quyền các địa phương đã chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra việc lập và triển khai phương án quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, báo cáo biến động rừng của các chủ rừng đối với toàn bộ diện tích bị thiệt hại. Đồng thời, chủ động huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm đã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, duy trì dự báo cảnh báo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng để thông tin kịp thời cho các địa phương, nhất là các khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ... để các địa phương chủ động thực hiện các phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Đơn vị cũng tăng cường lực lượng thường trực tuần tra, phối hợp cùng với chủ rừng canh phòng lửa rừng tại khu rừng trọng điểm, khu rừng tiến hành xử lý thực bì và tận thu, vệ sinh rừng sau bão, có nguy cơ xảy ra cháy cao để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Đồng thời củng cố, kiện toàn Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng đảm bảo đủ số lượng, nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu, ứng trực 24/24 giờ hằng ngày, sẵn sàng ứng cứu tất cả các tình huống cháy rừng xảy ra…

Cùng với đó, các địa phương, cơ quan liên quan cũng triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh, theo dõi chặt chẽ hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng, phát bản tin cảnh báo cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có dấu hiệu phức tạp. Các diện tích keo, bạch đàn, thông bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc khó có khả năng phục hồi, đặc biệt những cây bị gãy đổ đang khô héo dần, đã phá vỡ thiết kế phòng cháy trước đây, do đó thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 28/9 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng sản xuất. Trong đó, huyện Vân Đồn 3 vụ, TP Cẩm Phả 2 vụ, huyện Ba Chẽ 1 vụ, TP Hạ Long 1 vụ, TP Móng Cái 1 vụ, khiến hơn 50 ha rừng bị đốt cháy.

Ngày 1/10 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2832/UBND-KTTC để phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện các địa phương đang tích cực thu dọn, tận thu lâm sản sau bão. Đồng thời triển khai các lực lượng ứng trực phát hiện, chữa cháy kịp thời. UBND các cấp và các cơ quan chức năng của tỉnh đều thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy chữa cháy rừng từ sớm, từ xa và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Bảo Bình