Phòng cháy chữa cháy trong sản xuất than

Quyền Trung
Là một trong những ngành nghề đặc thù, hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Do đó, lực lượng Công an đã đồng hành cùng ngành Than trong kiểm soát thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH, đảm bảo an toàn lao động.

Tại các vị trí sản xuất, nhất là khu vực sửa chữa cơ khí, khu vực sàng tuyển, hoặc các vị trí khai thác luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, do các tia lửa điện phát sinh trong quá trình hàn cắt, sửa chữa. Vì thế, việc đảm bảo an toàn PCCC được các đơn vị hết sức chú trọng. Anh Trần Văn Huế, Phó Quản đốc Phân xưởng sàng tuyển, Công ty Tuyển than Hòn Gai, cho biết: Đơn vị thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc nhắc nhở công nhân trong quá trình hàn cắt, phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân được cấp phát, lót cách nhiệt, không để tia lửa điện phát sinh gây cháy xuống hệ thống băng tải bên dưới. Đồng thời, kiểm tra bằng máy đo nhiệt độ hoặc bằng tay tại các vị trí nguy cơ, nếu phát sinh nhiệt, đơn vị có biện pháp bơm mỡ kịp thời nhằm hạn chế tăng nhiệt.

1

 Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại Xưởng cơ khí, Công ty Tuyển than Hòn Gai.

Không chỉ khu vực sản xuất, các kho tàng, bến bãi cũng là nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tại Kho vật tư số 3 Tràng Khê, Công ty Than Uông Bí (TKV) nằm ngay cửa giếng nghiêng chính, làm nhiệm vụ cấp phát vật tư phục vụ cho khai thác than. Vật tư tại đây chủ yếu là vì chống lò, băng tải, máy cào, máy xúc đá, với nhiều chất liệu dễ cháy như gỗ, cao su, thiết bị điện…, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Chị Trần Thị Hảo, Thủ kho vật tư số 3 Tràng Khê, Công ty Than Uông Bí, cho biết: Vừa để đảm bảo thuận tiện trong việc cấp phát vật tư phục vụ sản xuất, cũng như thực hiện quy định của pháp luật về PCCC, đơn vị chúng tôi luôn chú ý sắp xếp gọn gàng hàng hóa tại kho, không để chặn các lối xe vào bốc xếp cũng như xe chữa cháy vào xử lý khi cần. Tại tất cả các khu vực, các bảng điện đều được trang bị bên ngoài, có tủ che chắn.

2

 Kiểm tra việc sắp xếp vật tư, hàng hóa tại Kho vật tư số 3 Tràng Khê, Công ty Than Uông Bí - TKV.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất kinh doanh, các đơn vị ngành Than đã thực hiện nghiêm công tác PCCC theo quy định, từ việc kiện toàn lực lượng chữa cháy cơ sở, tuyên truyền kiến thức, huấn luyện kỹ năng xử lý khi có tình huống phát sinh; tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tự kiểm tra và khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC; đặc biệt đảm bảo kinh phí cho các hoạt động PCCC tại cơ sở.

Ông Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai, khẳng định: Xác định công tác PCCC có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật, hằng năm, Công ty trích một nguồn kinh phí nhất định cho lắp đặt và sửa chữa trang thiết bị PCCC, đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, năm 2023, Tập đoàn phối hợp với Công an tỉnh và chủ động thực hiện nhiều cuộc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, an ninh trật tự, PCCC; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc nắm bắt tình hình an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, tài nguyên, ranh giới mỏ; chỉ đạo 20 đơn vị tổ chức thực tập PCCC và tham gia các cuộc diễn tập PCCC do tỉnh tổ chức.

Công tác PCCC và an ninh quốc phòng luôn được quan tâm với các phương án bảo vệ mục tiêu cụ thể, phù hợp với thực tế của từng đơn vị. Tập đoàn cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý, quy định xử lý khi để xảy ra các vụ việc vi phạm; tăng cường công tác quản lý tài sản, tài nguyên, công tác tuần tra, kiểm soát; duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình “Đội PCCC cơ sở 3 chủ động, 3 sẵn sàng”… đảm bảo an toàn cho người, thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Thượng úy Nguyễn Minh Hiệp, Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Các đơn vị ngành Than đã có nhiều giải pháp khắc phục tồn tại trong bố trí, sắp xếp vật tư hàng hóa, lối thoát nạn, PCCC; nhất là đã bố trí đội PCCC cơ sở, chuyên ngành, tại các vị trí có nguy cơ cháy nổ cao. Hằng năm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) tiến hành huấn luyện, bồi dưỡng, bổ sung đối với các lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng PCCC chuyên ngành theo đúng quy định của pháp luật.

Mục đích của công tác AT-VSLĐ nói chung và công tác PCCN nói riêng chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động và tài sản của Nhà nước, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc duy trì, thực hiện thường xuyên công tác này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than khắc phục được sự cố cháy nổ do chủ quan gây ra, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hằng Ngần