Hà Nội tăng cường giáo dục, hướng tới mục tiêu 'Thành phố học tập của UNESCO'

Quyền Trung
(SHTT) - Hà Nội đang tăng cường triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, triển khai thực hiện kế hoạch đưa Hà Nội trở thành "Thành phố học tập UNESCO".

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu rà soát, tham mưu, đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND TP về cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo viên ở tất cả các cơ sở giáo dục, cả công lập và ngoài công lập.

Chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, nhất là phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Đồng thời, tăng cường triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố. Tham mưu Thành phố triển khai thực hiện kế hoạch đưa Hà Nội trở thành "Thành phố học tập UNESCO".

giao duc hn

Hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, khuyết tật; điều chỉnh quy mô lớp học, thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân; phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa cho năm học mới 2024-2025.

Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đồng thời tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Tăng cường bảo đảm an toàn trường học; bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có kế hoạch tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Theo đó, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay diễn ra từ ngày mùng 1 đến 7/10 nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời. Đây là một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.

Điểm nhấn trong tuần lễ là tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng...

Cùng với đó, thành phố sẽ huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách, sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng khó khăn; huy động cha mẹ học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh. Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa, giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh, sinh viên đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.

Ngoài ra, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đến các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học...

PV