Phát biểu khai mạc, TS. Bùi Văn Quyền – Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam – nhận định sáng chế là đỉnh cao của tài sản trí tuệ, của đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các sáng chế thuộc lĩnh vực y học và công nghệ sinh học nếu được áp dụng sẽ rất ý nghĩa trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
“Chúng tôi luôn đau đáu với việc tìm cách đưa đổi mới sáng tạo vào phục vụ trong tất cả lĩnh vực của các thầy thuốc, bác sĩ, nhà sản xuất sản phẩm dược, công nghệ sinh học. Từ đó tạo ra nhiều tài sản trí tuệ, sáng chế phục vụ cho sự phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam”, TS. Bùi Văn Quyền chia sẻ.
Cảm ơn sự hỗ trợ từ Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN và Hội Sáng chế Việt Nam, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - nhận định Diễn đàn sẽ là cơ hội để trao đổi các kinh nghiệm, nghiên cứu, hướng tới việc phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam với mục tiêu cao nhất là phục vụ, chăm sóc người bệnh.
“Chúng tôi luôn tiên phong trong việc áp dụng các sáng chế, phát minh tiên tiến nhất thế giới vào đào tạo sinh viên và điều trị cho bệnh nhân. Đội ngũ Ban giám hiệu, Ban giám đốc và cán bộ, bác sĩ, nhân viên,… cố gắng cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, bệnh viện,…
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ các sáng chế, kiến thức y học đến cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn”, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định nói.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - khẳng định đổi mới sáng tạo là không ngừng tìm ra các giải pháp công nghệ mới, từ đó thúc đẩy các hoạt động khai thác sở hữu trí tuệ.
“Y dược là một trong những lĩnh vực Việt Nam chúng ta theo rất sát thành tựu của thế giới. Chúng ta đã rất nỗ lực để có thể giúp người bệnh được thừa hưởng các thành tựu mới nhất về y tế và công nghệ sinh học với giá thành tốt nhất, trên cơ sở đó góp phần phát triển đời sống xã hội”, ông Lê Duy Anh nhấn mạnh.
Tổng quan về các quy định pháp luật và thủ tục đăng ký sáng chế, ông Trần Giang Khuê - Trưởng VPĐD Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ phía Nam – cho rằng không chỉ riêng y dược và công nghệ sinh học, mà tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội phải liên tục đổi mới sáng tạo để làm chủ tài sản trí tuệ.
“Phải thẳng thắn nói với nhau là chúng ta có đổi mới sáng tạo nhưng đang ở mức hình thức, phong trào và chưa thật sự “chất”. Thực tế thì số văn bằng bảo hộ sáng chế của người Việt Nam mình chỉ chiếm khoảng 8%, 92% còn lại là của nước ngoài. Phần lớn chúng ta đang có nhiều giải pháp hữu ích hơn là sáng chế”, ông Khuê chia sẻ.
Theo ông Khuê, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, không chỉ có thế mạnh về cây trồng thực phẩm, nước ta cũng rất dồi dào những sản phẩm từ dược liệu, cây thuốc nam. Vì thế tiềm năng trong lĩnh vực y học và công nghệ sinh học dựa trên nền tảng nguyên liệu nam dược là vô cùng to lớn.
“Các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dựa trên tra cứu sở hữu trí tuệ và tri thức, từ đó định hướng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Để đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp, việc thực hiện tra cứu là lưu ý hàng đầu của nhà sáng chế. Tiếp theo là nguyên tắc bảo mật thông tin bằng những biện pháp cần thiết, sau đó mới đăng ký và duy trì sáng chế”, ông Khuê nói.
Đại diện Hội Sáng chế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam – cho biết thời gian qua, Hội luôn ưu tiên tiến hành hoạt động thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo mở và thương mại hóa sáng chế bằng các hoạt động trao đổi thông tin, kết nối nhà đầu tư. Thế nhưng, các sáng chế của tại Việt Nam lại ít khi “xuất phát” từ các nhà khoa học mà đa phần đến từ người lao động.
“Cá nhân, tổ chức gặp khó khăn gì đó trong quá trình sản xuất kinh doanh mới nảy sinh ra ý tưởng sáng tạo để khắc phục những khó khăn đó. Đó cũng là đổi mới sáng tạo nhưng lại mang tính ứng dụng, giải pháp hữu ích nhiều hơn là nghiên cứu. Vì vậy để nó thực sự là một sáng chế không hề đơn giản.
Chúng tôi ước chừng Việt Nam có hàng triệu bản mô tả sáng chế, nhưng ngay cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới khai thác thương mại hóa thành công chỉ từ 20 – 25%. Ở việt Nam, chúng ta chỉ được 2 – 3% là quá tốt. Chúng tôi nhận định việc hỗ trợ thương mại hóa sáng chế là quá trình lâu dài và tốn kém rất nhiều công sức, tiền bạc”, ông Bình chia sẻ.
Cũng tại Diễn đàn, nhiều diễn giả đã có những chia sẻ liên quan đến đổi mới sáng tạo mở trong y dược và công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; quy định của pháp luật Việt Nam đối với sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế; thực trạng và kinh nghiệm trong đổi mới sáng tạo và khai thác thương mại hóa sáng chế trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học;…
Diễn đàn đã giúp những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học nâng cao năng lực nhận thức về sở hữu trí tuệ, từ đó tạo động lực thúc đẩy sáng chế, đổi mới sáng tạo.
Các thông tin được đưa ra tại diễn đàn cũng giúp người tham gia nắm được các thủ tục, quy định pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, kết nối truyền thông quảng cáo về đổi mới sáng tạo cùng với sáng chế của ngành y dược và công nghệ sinh học.
Tân Nguyên