Doanh nhân và thử thách

Admin
Thư chúc mừng của Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Khởi nghiệp kinh doanh luôn là nỗi trăn trở của người dân không chỉ ở nước ta mà là mỗi quốc gia, vì đó là vấn đề quan trọng, quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay khởi nghiệp với rất nhiều lợi thế, cơ hội so với các thế hệ trước đây. Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển.

Tuy vậy, với nhiều yếu tố ảnh hưởng khó lường trước như thiên tại, dịch bệnh, chiến tranh… cũng tiềm ẩn những khó khăn, thách thức mà các doanh nhân trẻ cần phải ý thức và chuẩn bị tinh thần, tri thức để vượt qua. Thêm hàng loạt vấn đề đặt ra cho đội ngũ doanh nhân trước những biến động của thời cuộc: Thách thức một người kinh doanh chân chính trước những cám dỗ “làm giàu nhanh”; đâu là lực cản khai phá tinh thần doanh nhân? Làm sao để giữ vững tinh thần khởi nghiệp khi những thất bại luôn liền kề?

Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết còn trẻ. Doanh nghiệp nằm trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước, đó cũng chính là vấn đề mà cả xã hội quan tâm và lo lắng cho doanh nghiệp, doanh nhân sau đại dịch Covid-19.

Hơn hai năm trôi đi, khi phải đối đầu cùng một cơn bão dịch kinh hoàng, mất mát của giới doanh nhân không gì so sánh được. Có rất nhiều doanh nghiệp đã ngã đổ đến mức không thể vực dậy. Tinh thần, bản lĩnh của doanh nhân lúc này đóng một vai trò vô cùng quan trọng để chèo lái doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, rất có thể là cơ hội cho những doanh nghiệp biết phát huy và tận dụng những thế mạnh vốn có của mình để vươn ra biển lớn và có những thành công rực rỡ sau đại dịch Covid-19.

z3793528098089_35520fd0244d1fcf22f49e2d8964f9b3

Ông Lương Hoàng Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.

 

Lúc này, hơn ai hết, tất cả doanh nhân cần tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp từng ngày, để sống chung với bối cảnh thị trường sau đại dịch. Đặc biệt là việc tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu cách làm, tái cơ cấu tài chính nhằm mục tiêu cắt giảm các chi phí không cần thiết, tập trung dồn toàn lực tài chính để đầu tư cho việc “số hóa” của doanh nghiệp. Muốn làm tốt điều đó mỗi doanh nhân cần phải hết sức khéo léo, khôn ngoan, tỉnh táo để tạo động lực trong từng vị trí nhân sự nòng cốt cùng đồng tâm, hiệp lực tìm ra hàng loạt phương án mới phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, doanh nhân phải khéo léo tận dụng tất cả các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước hoặc các cơ quan, đơn vị dù là nhỏ nhất. Bởi, có những việc làm tuy rất nhỏ, nhưng trong những thời khắc ngặt nghèo, trắc trở sẽ là một động lực, tinh thần để toàn doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn. Ngoài ra, doanh nhân cần tham gia thật nhiều các diễn đàn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tạo tầm nhìn mới, con đường mới để tự cứu lấy mình.

Đi trên con đường kinh doanh, doanh nhân thấu hiểu đây là một con đường vinh quang nhưng cũng chứa nhiều rủi ro. Do vậy, tinh thần doanh nhân phải luôn sẵn sàng, để có thể đi qua những cơn bão một cách an toàn lành lặn. Đặc biệt, cần phải xem việc vượt qua khó khăn là một thói quen, trở thành điều tất yếu trong hoạt động kinh doanh, thậm chí phải “khởi nghiệp lại” từ số không!

Cuộc đời doanh nhân là tạo ra những tác động, những ảnh hưởng tích cực cho chính mình và cho người khác. Việc vượt qua khó khăn và đẩy mạnh phát triển sau đại dịch là một việc làm sâu thêm những trải nghiệm và giá trị tạo ra.

Lương Hoàng Hưng/SHTT