Đào, quất phải đủ bộ tứ quý
PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa, cây cảnh cho biết, năm nay Tết đến sớm nên với những loại hoa trồng ngoài tự nhiên, không áp dụng công nghệ cao, có thể sẽ nở muộn như hoa đào. Nhà vườn cần có các biện pháp kích hoa, người mua hoa về cũng nên áp dụng các biện pháp thúc hoa nở sớm để có hoa đẹp ngắm Tết.
Từ thời điểm này, nhiều người đã bắt đầu chọn mua đào, quất về đón Tết sớm. Để chọn được cành đào đẹp, theo PGS.TS Đặng Văn Đông, hoa đào có nhiều dáng, thế khác nhau, cũng có nhiều loại màu sắc như hồng, đỏ hồng, trắng, các bạn có thể lựa chọn tùy vào sở thích và diện tích căn nhà.
Theo PGS.TS Đặng Văng Đông, có một số bí quyết chọn đào đẹp, nở nhiều và nở lâu:
- - Chú ý đào phải có đủ bộ tứ quý: Hoa, nụ, lộc và quả, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.
- - Tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Nên tìm mua loại cành có dăm nhỏ, vút thẳng ra ngoài tán, nụ rải đều từ đầu tới cuối.
- - Một cành đào đẹp thì có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng.
- - Thân đào có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc.
Đối với cây quất, một cây quất cảnh được coi là đẹp thì phải hội tụ đủ tứ quý bao gồm:
- - Dáng đẹp, quả đẹp và đủ xanh, lá lộc non canh mơn mởn và cuối cùng cũng là đặc biệt phải có chút nụ hoa.
- - Chọn cây có dáng tự nhiên, không gò ép, gốc cứng cáp, thân thẳng.
"Lá quất phải to, xanh và thưa, quả to tròn không sai lắm mới là quất đẹp. Nên chọn cây có độ sai quả vừa phải, vì khi cây quá sai, quả sẽ nhỏ và nếu như trên cây có độ một ít quả xanh, quả ương nữa thì thật tuyệt, bởi nó tựa như các thế hệ trong một gia đình đề huề, hạnh phúc", PGS.TS Đặng Văn Đông nói.
Kéo dài thời gian chơi hoa Tết
Theo nhận định của TS Đặng Văn Đông, người chơi hoa Tết có xu hướng chơi hoa sớm hơn do rất nhiều loài hoa bền, có thể để cả tháng không tàn. Để giữ hoa tươi lâu cả tháng, người dùng cần có cách chăm sóc đúng.
TS Đặng Văn Đông cho biết, đối với đào trồng chậu thì cần thường xuyên tưới nước. Cứ khi nào thấy đất trên miệng chậu khô là phải tưới nước. Nhưng không nên tưới quá nhiều nước cho cây, cây sẽ bị úng, sinh ra khí độc thối rễ, cây sẽ nhanh bị chết. Không nên để chậu đào gần quạt hay chỗ có gió lùa vì sẽ làm đào mất nước nhiều dẫn đến rụng nụ và hoa sớm cũng không nên để đào chỗ quá tối vì sẽ không đủ ánh sáng cho đào quang hợp, mắt chồi sẽ bật, lá ra nhanh, màu sắc hoa bị nhạt, hoa nhanh tàn hoặc nụ hoa sớm
Để có thể kéo dài thời gian hoa nở, chơi hoa được lâu thì có thể sử dụng một số sản phẩm gói dinh dưỡng cho cây bán sẵn trên thị trường. Một số nhà vườn còn bán kèm theo hoa. Những gói dinh dưỡng này giúp cho hoa bền, tươi lâu và không độc hại. Tuy nhiên, các loại hoa chơi được cả tháng không nhiều, và đó phải là hoa còn trồng nguyên cây, chậu, bầu đất. Với hoa cắm cành thì cùng lắm chỉ chơi được 1 tuần.
Khi mua cành đào về, nên dùng lửa đốt gốc đào trước khi cắm vào lọ. Cùng với đó, nước trong lọ phải 100% là nước sạch và nên cho vào lọ một vài viên thuốc B1 hoặc Kali. Như vậy, cách đào sẽ có thể sẽ duy trì được độ thắm và tươi đến khoảng 2 tuần.
Khi mua quất, phải chọn cây còn bầu nguyên vẹn và đem trồng ngay vào chậu có miệng rộng hơn bầu, tạo khe hở cho để nhồi đất bột mà không làm ảnh hưởng tới vầng đất nguyên trong bầu. Trồng xong, phải tưới ẩm ngay và thường xuyên giữ ẩm. Trong quá trình trưng bày nên thường xuyên phun ướt lá bằng bình xịt. Ngày nắng nóng có thể phun tới hai lần. Nếu có điều kiện, cứ 5-6 ngày lại phun cho cây một lần phân bón lá có tỷ lệ P, K cao.
Với người chơi hoa Tết, có thể sử dụng một số mẹo dân gian để giữ hoa tươi, đẹp. Khi cắm vào lọ nên thay nước sạch 2 - 3 ngày/lần và mỗi lần thay nước cho 1 viên aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa. Nếu muốn đào nở nhanh hơn thì để trong phòng kín, thắp điện, đốt hương. Nếu muốn đào nở chậm lại cho nước đá vào bình, đặt ở chỗ thoáng khí, ban đêm mang ra ngoài ban công.
Khi cắm hoa, không để lá ngập nước vì phần lá ngập nước sẽ tạo ra vi khuẩn, khiến hoa nhanh úa và lọ hoa có mùi khó chịu. Để hoa tươi lâu thì thả viên aspirin hoặc thuốc B1 vào nước cắm hoa. Thường xuyên cắt bớt phần cuối gốc cành tiếp để tránh lá tiếp xúc với nước gây thối rữa. Dùng búa nhỏ đập hơi giập thân gỗ của một số loại hoa có cành to, cứng như hoa tú cầu, tử đinh hương... để chúng dễ hút nước hơn.
Thay nước hoa mỗi ngày vào lúc sáng sớm và chiều tối, buổi tối nên mang ra ngoài sân để hoa được hứng những giọt sương mai. Những hoa mọc lên từ củ (như thủy tiên) sống tốt hơn trong nước lạnh. Nếu muốn hoa nở nhanh để kịp trưng vào dịp lễ, Tết, bạn chỉ cần ngâm gốc của cành hoa vào nước ấm vài phút. Với những bông hoa đã héo, đặc biệt là hoa hồng, có thể làm tươi lại bằng cách ngâm trong nước lạnh trong vài giờ.
Một số loại hoa khác như hoa phù dung "sớm nở, tối tàn" nhưng nếu bạn cắm vào nước nóng từ 1 - 2 phút rồi cắm vào nước lạnh thì có thể giữ hoa tươi lâu hơn. Muốn hoa huệ tươi lâu nên cho chút đường vào nước cắm hoa. Đối với hoa cúc, nếu hoà một chút urê vào nước cắm sẽ giữ cúc tươi cả tháng.