Tại Tọa đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những thiệt hại nhiều năm qua do nạn hàng giả, gian lận thương mại gây ra. Ông Hoàng Hữu Lộc, Phó Phòng bán hàng, Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam cho hay, hàng giả, hàng nhái sản phẩm của doanh nghiệp là rất ít, nhưng tình trạng gian lận thương mại đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam, lại đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.
“Các doanh nghiệp khi nhập khẩu pin, ắc quy từ nước ngoài về thường khai báo giá nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với hóa đơn VAT sản phẩm bán ra trên thị trường. Giá bán sản phẩm nhập khẩu thường chỉ thấp bằng 60% so với giá bán sản phẩm sản xuất trong nước, trong khi trên thị trường chỉ cần cạnh tranh giá từ 1-2% là đã vô cùng khốc liệt đối với các doanh nghiệp, đó là chưa kể việc làm này đang gây thất thu thuế rất lớn cho nhà nước”, ông Lộc bày tỏ.
Tương tự, các sản phẩm mang thương hiệu của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhiều năm qua cũng bị giả, nhái nhãn hiệu khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này nhiều phen “điêu đứng”. Ông Dương Đức Duy, Trưởng Ban quản lý dự án - Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, sản phẩm đèn LED không rõ nguồn gốc giả, nhái, sản phẩm của Rạng Đông vẫn đang trôi nổi trên thị trường theo 2 hình thức offline và online.
“Hình thức offline là sản phẩm giả nhãn hiệu và tên thương mại được chào bán vào hệ thống phân phối với mức giá hấp dẫn và chiết khấu cao, điều này làm sụt giảm doanh thu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng bị thiệt, sản phẩm không xứng với chi phí họ bỏ ra. Hình thức online là tổ chức, cá nhân lập website đăng hình ảnh sản phẩm của Rạng Đông nhưng khi bán ra lại là sản phẩm khác. Cá biệt hơn, có tổ chức còn tự mở đại lý, lập nhà máy sản xuất sản phẩm không thuộc hệ thống của doanh nghiệp”, ông Duy nêu thực tế.
Có thể thấy, hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả đã diễn ra từ nhiều năm, dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng dẹp bỏ nhưng vẫn tồn tại, một phần do lợi nhuận từ hoạt động này mang lại quá lớn khiến các tổ chức, cá nhân hàng ngày hàng giờ tìm mọi thủ đoạn mới nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.
Theo phân tích của ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT, buôn lậu gia tăng còn có nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 khiến hàng hóa thiếu hụt, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy…nên các đối tượng lợi dụng tình hình để đưa hàng lậu, hàng giả trà trộn vào thị trường.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật…”.
Đồng thời đại diện VCCI cho biết, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở, công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, giữa cơ quan pháp luật với doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe dẫn đến hiệu quả phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn.
SHTT