Tàu Morning Vinafco trong vụ rơi hàng hóa xuống biển phát hiện có dấu hiệu han rỉ, xuống cấp.

Quyền Trung
Trước đó hồi tháng 12/2023 sự việc Công ty Cổ phần Vận tải biển VinaFCo (gọi tắt là "Công ty VinaFCo") đánh rơi và làm hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển đã được báo chí đưa tin. Song sau hơn 6 tháng vẫn chưa được giải quyết, các bên thiệt hại đã đâm đơn kiện để yêu cầu pháp luật can thiệp xử lý bồi thường.

Tàu Morning Vinafco (thuộc Công ty CP Vận tải biển Vinafco). (Tư liệu)

Là một trong các bên thiệt hại trong vụ việc này, sau hơn 6 tháng không được giải quyết, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Vận tải Trường Nam (gọi tắt là "Công ty Trường Nam") đã chính thức đâm đơn kiện Công ty Cổ phần Vận tải biển VinaFCo (gọi tắt là "Công ty VinaFCo") đến Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì - Thành phố Hà Nội.

Trước đó, 20/12/2020, Công ty Trường Nam và Công ty VinaFco giao kết Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 2012/2020/HDVC/VFC- Trường Nam là 30 chiếc xe ô tô từ Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và Dịch vụ Vinfast (Công ty Vinfast) với tình trạng các xe khi đó được xác định là còn mới và nguyên vẹn được đóng trong 10 containers để vận chuyển các xe từ Cảng Hải Phòng tới Cảng Bến Nghé – Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23/12/2023, Công ty Trường Nam nhận được Công văn số 2312/2023/CV-VTB/ĐH của Công ty VinaFco thông báo về sự cố tàu Morning VinaFCo với nội dung: “Tàu Morning VinaFCo chuyến 715HD/HS tuyến HPH-ĐNA-HCM sau khi rời cảng Tiên Sa vào lúc 17h12', sau đó thời tiết biển có sóng cấp 6, cấp 7, thời tiết xấu. Đến khoảng 21h00 thì phát hiện hàng hóa trên boong tại Bay 20 có hiện tượng rung lắc, xô, tàu đã hành hải để giảm bớt ảnh hưởng của gió và sóng. Từ 21h19' ngày 22/12/203 đến 2h00 sáng ngày 23/12/2023 tàu bị rơi một số Container xuống biển."

Ngay say khi nhận được thông báo về sự cố, Trường Nam đã cùng Đại diện giám định P&I tàu Morning VinaFCo và Đại diện Công ty TNHH kiểm định và giám định Việt Tín (Giám định bảo hiểm hàng hoá) lập biên bản giám định ghi nhận: có 09/10 containers trên tàu khi tàu cập cảng Bến Nghé, không tìm được 01 container còn lại (chứa 03 chiếc xe ô tô Vinfast);

Trong số 09 containers được tập kết tại Cảng Bến Nghé, có 02 containers trong tình trạng cong vênh, móp méo do bị lật ngược trên tàu và chất lượng của 06 chiếc xe ô tô Vinfast bên trong 02 containers này không còn nguyên vẹn.

Nhiều containers bị cong vênh, xô lệch nghiêm trọng. (Tư liệu)

Ngày 26/12/2023, Trường Nam gửi Công văn số 16.12.2023/TN tới Công ty Vinafco về việc thông báo tình trạng các containers, đề nghị VinaFCo tổ chức tìm kiếm hàng hóa bị mất và có biện pháp xử lý hàng hóa bị tổn thất.

Ngày 11/01/2024, Trường Nam gửi thông báo tới Công ty VinaFCo về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với 09 xe bị rơi xuống biển và hư hại bởi chuyến tàu 715HS/Tàu Morning VinaFCo ngày 22/12/2023 với thiệt hại ước tính là 10.995.000.000 đồng (Mười tỷ chín trăm chín mươi lăm triệu đồng). Trường Nam đã đề nghị Công ty VinaFCo tạm ứng 50% số thiệt hại trước ngày 20/01/2024 nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Công ty VinaFCo.

Nhiều xe khi nhận hàng tại Cảng Bến Nghé đều trong tình trạng móp méo, hỏng khá nhiều chi tiết. (Tư liệu)

Trong suốt khoảng thời gian từ khi nhận được công văn số 2312/2023/CV-VTB/ĐH ngày 23/12/2023 do Công ty VinaFCo ban hành thông báo về sự cố tàu Morning VinaFCo, Trường Nam và các đơn vị vận tải cùng bị thiệt hại do sự cố tàu Morning VinaFCo đã liên tục gửi công văn yêu cầu Công ty VinaFCo trả lời nguyên nhân gây ra sự cố, tổ chức buổi làm việc và đề xuất những phương án xử lý tổn thất kịp thời. Tuy nhiên, Công ty VinaFCo liên tục trốn tránh và đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian xử lý không có lý do chính đáng.

Ngày 19/06/2024, Công ty VinaFCo gửi tới các bên thiệt hại công văn số 025/2024/TB-VTB thông báo nguyên nhân tổn thất hàng hóa trên tàu Morning VinaFCo chuyến 715HS gặp sự cố ngày 23/12/2023 là do thiên tai gây ra theo Báo cáo giám định của Công ty cổ phần Giám định và Tư vấn Việt (Vietcontrol) và Xác minh tình hình thời tiết, xác định rằng thời tiết xấu: “gió Đông Bắc cấp 6 – 7, sóng cao khoảng 6m" nên căn cứ theo điểm d. khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Công ty VinaFCo thông báo được miễn hoàn toàn trách nhiệm đối với tổn thất hàng hóa được vận chuyển trên Tàu Morning VinaFCo/Chuyến số 715HS, từ chối bồi thường đối với toàn bộ các thiệt hại trên tàu Morning VinaFCo/Chuyển 715HS ngày 22/12/2023.

Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty VinaFCo đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào đối với nguyên nhân gây thất lạc và hư hỏng hàng hóa nêu trên.

Trao đổi với Phóng viên, đại diện phía Công ty Vận tải Trường Nam cho biết họ hoàn toàn có căn cứ cho rằng Công ty VinaFCo đã không mẫn cán trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên biển, cụ thể:

Thứ nhất, từ khi VinaFCo Morning có thông báo về sự cố vào ngày 23/12/2023 đến khi ban hành Công văn số 025/2024/TB-VTB ngày 19/6/2024, Công ty VinaFCo chưa từng có một Văn bản thông báo Biên bản làm việc chính thức với Công ty Trường Nam để xác định, kiểm kê cụ thể hàng hóa bị thất lạc và hư hại. Công ty Trường Nam đã phải tự mình thực hiện toàn bộ các công việc kiểm tra hàng hóa, giám định thiệt hại, sửa chữa các xe hư hỏng và bồi thường thiệt hại cho chủ hàng hóa là Công ty Vinfast.

Trong suốt khoảng thời gian này Công ty Trường Nam đã vô cùng nỗ lực để phối hợp để giải quyết, khắc phục việc thất lạc và hư hỏng hàng hóa. Cụ thể phía Trường Nam đã đứng ra hoàn thành việc bồi thường thiệt hại bằng hình thức mua lại 09 chiếc xe bị rơi và hư hỏng trên chuyến tàu 715HS/Tàu Morning VinaFCo cho Công ty Vinfast với tổng số tiền là 10.474.200.000 đồng (Mười tỷ bốn trăm bảy mươi tư triệu hai trăm nghìn đồng) và số tiền sửa chữa 06 xe bị hư hại trong 02 container bị lật đổ là 669.503.713 (Sáu trăm sáu mươi chín triệu năm trăm linh ba nghìn bảy trăm mười ba đồng).

Cùng với đó là đã gửi rất nhiều Công văn đến VinaFCo để yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu, đề nghị phối hợp với các bên liên quan để xác định nguyên nhân sự cố, nhưng chưa từng nhận được phản hồi chính thức mà chỉ có các văn bản rất chung chung của VinaFCo nói rằng vẫn đang làm việc để xác định thiệt hại, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân sự cố.

Đến ngày 24/4/2024, Công ty Trường Nam, Công ty VinaFCo, Công ty Bảo hiểm bưu điện Hải Hưng và Công ty TNHH Tín Nghĩa (đơn vị cũng bị thiệt hại hàng hóa trên chuyến tàu) đã tiến hành làm việc bốn bên về việc giải quyết bồi thường thiệt hại. Tại buổi họp này, Trường Nam và các bên thiệt hại đã yêu cầu VinaFCo trả lời nhiều nội dung liên quan đến việc điều tra nguyên nhân sự cố và bồi thường thiệt hại, cụ thể: Sự cố tàu Morning VinaFCo có được các cơ quan chức năng điều tra không và phản hồi của các cơ quan này là như thế nào; Công ty VinaFCo đã tiến hành thuê đơn vị trục vớt hàng hóa bị rơi hay chưa và tình hình trục vớt; Yêu cầu VinaFCo cung cấp các tài liệu để chứng minh đang thực hiện các công việc trên; Yêu cầu VinaFCo phối hợp với Công ty giám định Việt Tin để cung cấp thông tin, tài liệu cho Công ty Bảo hiểm bưu điện Hải Hưng. Tại buổi làm việc, đại diện của Công ty VinaFCo đã khẳng định sẽ cung cấp các thông tin, tài liệu mà phía Trường Nam yêu cầu và phối hợp với các bên liên quan để hoàn thành thủ tục xác định và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, sau đó Trường Nam và các bên thiệt hại vẫn không thấy bất kỳ động thái hợp tác nào từ phía VinaFCo, cũng không nhận được thêm bất kỳ thông tin hay tài liệu gì.

Đến ngày 19/06/2024, Công ty VinaFCo ra Công văn số 025/2024/TB-VTB, từ chối việc bồi thường thiệt hại và không cung cấp thêm cho các bên thiệt hại bất kỳ thông tin hay tài liệu nào. Thậm chí, các tài liệu được VinaFCo dẫn chứng tại Công văn này bao gồm Báo cáo giám định của Vietcontrol và Văn bản xác minh điều kiện thời tiết cũng không hề được đính kèm theo Công văn đã nêu.

Như vậy, Công ty Trường Nam và các bên có cùng thiệt hại có căn cứ khẳng định rằng Công ty VinaFCo đã làm thất lạc, hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ Hải Phòng - Thành phố Hồ Chí Minh trên tàu Morning VinaFCo mà không đưa ra được lý do chính đáng, xuất phát từ lỗi của Công ty VinaFCo không nghiêm túc trong quá trình điều tra nguyên nhân sự cố và xác định thiệt hại; không có một kết luận chính thức, khách quan về nguyên nhân sự cố.

Thứ hai, lý do Công ty VinaFCo đưa ra cho việc gây rơi, hư hỏng hàng hóa là do “thiên tai", cụ thể là "gió đông bắc cấp 6-7, sóng cao khoảng 6 mét" là hoàn toàn không phù hợp, cụ thể:

Theo quy định tại Phụ lục III - Bảng cấp gió và sóng kèm theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021, gió cấp 6, cấp 7 có mức độ nguy hại trên biển “biển động, Nguy hiểm đối với tàu thuyền", được phân cấp độ rủi ro trung bình. Sức gió này cũng được xác định là Gió mạnh và chưa phải là Bão (theo khoản 5, 7 Điều 5 Quyết định trên).

Tàu Morning VinaFCo là tàu Container có chiều dài 105m, tổng tải trọng đăng ký 8755 tấn, được phân cấp không giới hạn hoạt động (Theo giấy chứng nhận phân cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam). Với thông số kỹ thuật này, Tàu biển Vinafco Morning hoạt động không giới hạn khoảng cách so với đất liền và hoàn toàn có thể hoạt động vận tải bình thường trong điều kiện sức gió cấp 6, cấp 7.

Dự báo thời tiết biển ngày 22/12/2023 được Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và một loạt các trang báo khác về thời tiết khác đưa tin, có cảnh báo về gió Đông bắc cấp 6 -7, giật cấp 8-9, sóng cao từ 4-6 m. Tuy nhiên, tàu Morning VinaFCo vẫn thực hiện hải trình bình thường mà không hề lo sợ hay có biện pháp phòng ngừa rủi ro. Trên thực tế, ngoài sự cố rung lắc dẫn đến va đập và rơi Container, tàu VinaFCo thực hiện hải trình hoàn toàn bình thường và cập cảng Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, việc Công ty VinaFCo cho rằng sự cố rơi và va đập Container trên tàu VinaFCo xảy ra do thiên tai và từ chối việc bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ, cũng như không phù hợp với thực tế.

Thứ ba, ngay sau khi tàu VinaFCo cập cảng Bến Nghé vào sáng ngày 24/12/2023, cán bộ của Công ty Trường Nam đã ngay lập tức cùng cán bộ của Công ty Kiểm định và Giám định Việt Tín (“Công ty Việt Tín”, mã số thuế: 0202213473; Địa chỉ trụ sở: Số 6/215 Lê Lai. Phường Máy Chai, Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng. Việt Nam) đến kiểm tra và xác nhận tình trạng hàng hóa bị hư hỏng.

Quá trình kiểm tra, Công ty Việt Tín và Trường Nam đã chụp được hình ảnh của các thiết bị móc dây chằng buộc cố định Container có dấu hiệu han rỉ, xuống cấp. Tuy nhiên, ngay sau đó thuyền viên của tàu Morning VinaFCo có thái độ không hợp tác, không chịu ký biên bản kiểm tra, không cho tiếp tục kiểm tra và mời xuống tàu, khiến cho Công ty Việt Tín không thể lập được chứng thư giám định về tình trạng và sự cố tàu, chỉ có thể báo cáo giám định về thiệt hại của các xe Vinfast đã được tập kết tại cảng.

Nhiều chi tiết giám định trên tàu cho thấy thủy thủ còn không cài tăng đơ vào ổ gù, công tác đảm bảo hàng hóa chưa được nghiêm ngặt. (Tư liệu)

Nhiều chi tiết trên tàu có dấu hiệu han rỉ, xuống cấp; không được bảo trì, ổ gù vẫn han gỉ 1 lớp, chứng tỏ không được sử dụng từ lâu (Tư liệu)

Cùng với việc Công ty Vinafco có thái độ hết sức thờ ơ, né tránh việc điều tra nguyên nhân sự cố, Trường Nam cho rằng Công ty VinaFCo đang cố tình che dấu lỗi của mình trong việc gây ra thiệt hại hàng hóa.

Hiện phía Trường Nam đã gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì - Thành phố Hà Nội xem xét, thụ lý giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh là một trong các bên thiệt hại cũng đã đâm đơn kiện đối với Công ty Cổ phần Vận tải biển VinaFCo. Hiện phía VinaFCo đã có động thái trao đổi thương thảo cùng Công ty Phương Anh, liệu đây có phải là hành động mà VinaFCo đang ngầm thừa nhận lỗi của mình?

(Hiện vụ việc vẫn chờ kết luận chính thức từ phía Tòa án. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này!)