Chiếm 36% tổng số phụ nữ toàn tỉnh, phụ nữ DTTS thời gian qua đang dần khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nhiều lĩnh vực. Trong đó phụ nữ và trẻ em gái có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc và xây dựng cuộc sống văn minh hơn. Đây cũng là một trong những nội dung hướng tới của Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em nằm trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại thôn Tân Ốc, xã Đồng Sơn (TP Hạ Long), có 1 CLB mang tên “Thêu may trang phục truyền thống”. CLB có khoảng 20 thành viên ở nhiều lứa tuổi đều đặn mỗi tháng 1 lần tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hoá thôn.
Tham gia CLB, những người bà, người mẹ, người chị không chỉ được thể hiện niềm đam mê, mà còn truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Hoa văn sặc sỡ với 2 màu chủ đạo là đỏ và trắng được các thành viên CLB tự thêu tay, tạo nên nét rất riêng cho những bộ trang phục của người Dao Thanh Phán.
Bà Triệu Thị Bình (thôn Tân Ốc 2) cho biết: Tôi may thêu từ năm 14 tuổi, đến nay đã 60 tuổi nhưng tôi vẫn luôn thích được tự may, tự thêu những bộ trang phục truyền thống để giữ gìn bản sắc của người Dao.
Nói đến Bình Liêu là nói đến hát then, đây là loại hình nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày. Nhằm phát huy giá trị của hát then, thời gian qua huyện Bình Liêu đã có nhiều giải pháp, biện pháp để bảo tồn, lưu giữ các làn điệu then. Trong đó, Hội LHPN các cấp có đóng góp lớn trong công tác bảo tồn, lưu giữ và quảng bá các làn điệu then, đặc biệt trong các dịp lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh.
Bằng cách tập hợp, động viên hội viên phụ nữ tham gia các CLB hát then, Hội LHPN các cấp của huyện Bình Liêu đã sưu tầm, bảo tồn, cải tiến nhạc để dễ thực hành những điệu then cổ trong cuộc sống và biểu diễn trên sân khấu. Nội dung các làn điệu phản ánh những sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi, tinh thần tiến bộ, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh.
Còn tại Đầm Hà, nơi có 30,1% dân số là người DTTS, bên cạnh việc chăm lo, phát triển đời sống vật chất cho nhân dân, huyện cũng luôn chú trọng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, góp phần phát triển KT-XH bền vững.
Hội viên Hội LHPN các cấp trong huyện cũng là lực lượng nòng cốt tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, nhất là bản sắc của người DTTS. Có thể dễ dàng nhận thấy lực lượng đông đảo hội viên phụ nữ trong trình diễn các điệu hát nhà tơ, hát sán cố tại lễ hội đình Đầm Hà, CLB thêu may trang phục truyền thống…
Trước sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, việc giữ gìn những nét đặc trưng riêng có trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS là vô cùng cần thiết. Bản sắc văn hóa sẽ tạo động lực về mặt tinh thần để đồng bào DTTS nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng xây dựng đời sống văn minh, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Hoài Minh