Quảng Ninh: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa “dòng sông di sản”

Quyền Trung
Trải dọc đất nước hình chữ “S” - Việt Nam có hơn 2.300 con sông, chiều dài hơn 10km. Mỗi một dòng sông dù lớn hay nhỏ đều gắn với những câu chuyện lịch sử, văn hóa mang màu sắc đặc biệt.

Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Bạch Đằng gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Yên. Dòng sông này không chỉ nổi tiếng mang bao dấu lịch sử về truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn là mạch nguồn nuôi sống ngư dân, là gạch nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại của vùng đất nơi đây.

1

 Sông Bạch Đằng có chiều dài 32km nằm giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Bạch Đằng một khúc khai sinh

Sông Bạch Đằng do sông Giá và sông Đá Bạc hợp lại mà thành rồi đổ ra biển ở cửa Nam Triệu. Sông Bạch Đằng còn có tên gọi khác là sông Vân Cừ, sông Rừng. Sông có chiều dài 32km, bên tả ngạn sông là TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), hữu ngạn là huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Sông Bạch Đằng nằm trong hệ thống sông Thái Bình, có 5 nhánh sông phụ đổ vào và 3 nhánh đưa nước ra biển. Cùng với sông Ka Long, sông Ba Chẽ và sông Tiên Yên thì sông Bạch Đằng được coi là một trong bốn con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

2

 Sông Chanh là một chi lưu của sông Bạch Đằng đổ ra biển ở Nam Triệu.

Ngược dòng lịch sử, sông Bạch Đằng là nơi từng chứng kiến 3 lần quân và dân ta đánh bại kẻ thù hung hãn nhất khi chúng tiến vào xâm lược nước ta. Đặc biệt là năm Mậu Tý 1288 quân, dân nhà Trần đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ hơn 600 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân của đế quốc Nguyên Mông giữ yên non sông đất nước.

3

 Di tích bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 3.000m2 nằm ở cửa sông Chanh và sông Bạch Đằng.

Hiện nay, Quảng Yên có 3 sông chính, gồm: Sông Bạch Đằng, sông Chanh và sông Rút. Trong đó, sông Chanh và sông Rút là 2 chi lưu của sông Bạch Đằng. Mỗi dòng sông đều có đặc điểm riêng về chức năng, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, trong không gian cảnh quan và cả trong truyền thuyết, tâm linh. Không chỉ đem lại lượng phù sa màu mỡ, những nơi dòng sông chảy qua còn để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của người dân sinh sống hai bên bờ sông.

4

 Đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà (phường Yên Giang, TX Quảng Yên) nằm cạnh dòng thiêng Bạch Đằng.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á - người đặc biệt quan tâm đến vùng đất Quảng Yên, trong đó có nhiều đóng góp nghiên cứu vùng sông Bạch Đằng, khẳng định: Bạch Đằng thực sự là dòng sông đặc biệt lưu giữ đầy ắp sự kiện lịch sử. Vùng cửa sông Bạch Đằng được nhiều nhà khoa học nhìn nhận như là tổng thể không gian bao gồm lục địa ven bờ, hệ thống sông lạch, vùng triều và vùng cửa biển nằm ở vị trí bản lề giữa vùng ven bờ biển Đông Bắc và châu thổ Sông Hồng, trong đó Quảng Yên nằm ở vị trí trung tâm. Vì thế, vùng cửa sông này được các vương triều phong kiến coi là “vùng phên dậu”, là chốt chặn quan trọng che chắn bảo vệ cho kinh đô Thăng Long xưa. Dấu tích của trận thủy chiến lẫy lừng năm xưa nay còn lưu lại ở những bãi cọc hơn 700 năm lịch sử nằm cạnh dòng sông Bạch Đằng, sông Chanh, tại TX Quảng Yên, như: Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa và nhiều chứng tích lịch sử khác vẫn còn rõ. Đây chính là di sản quý giúp con cháu mai sau tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và phát triển vùng đất này.

Khai thác thế mạnh dòng sông di sản

Là một trong những di tích nổi tiếng gắn bó mật thiết với dòng sông di sản này, Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng tọa lạc ngay cạnh bờ Bắc của sông Bạch Đằng. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1491/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012), gồm các di tích nguyên gốc, những bằng chứng lịch sử và những di sản văn hóa gắn liền với Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Đó là quần thể 11 điểm di tích nằm trên địa bàn TX Quảng Yên và TP Uông Bí cùng các truyền thuyết, thần tích, thần phả, văn bia, câu đối, đại tự... trải dài trên vùng đất Quảng Yên, đặc biệt nhất là Lễ hội truyền thống Bạch Đằng diễn ra vào ngày mùng 6 đến mùng 9/3 âm lịch hằng năm vẫn được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn. Ngày 20/11/2021, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

5

 Ngư dân thu hoạch hàu nuôi trên sông Bạch Đằng.

Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên) cho biết: Từ xưa đến nay, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng luôn có sự gắn bó mật thiết với sông Bạch Đằng, từ tên gọi, truyền thuyết, lễ hội, các nghi lễ cho đến vị trí của đền tọa lạc. Đặc biệt, các bãi cọc Bạch Đằng có giá trị nhận diện toàn cầu rất lớn, đã được các chuyên gia, các nhà khảo cổ học của Việt Nam và thế giới khẳng định thuộc về triều đại nhà Trần, sẽ góp phần làm nổi bật giá trị hồ sơ đề cử di sản... Hiện nay, trong hồ sơ Di sản Yên Tử, các bãi cọc Bạch Đằng cũng là những bộ phận cấu thành được lựa chọn để kể câu chuyện di sản về Quần thể di tích trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

6

 Ngư dân xã Liên Hòa (TX Quảng Yên) làm giàu từ nghề nuôi cua biển trên đầm, bãi bồi dòng sông Bạch Đằng.

Đầu tháng 8 vừa qua, đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) của UNESCO tiếp tục công tác thẩm định thực địa đối với các di tích và địa danh nằm trong Hồ sơ đề cử Di sản thế giới của Quần thể danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đây là cơ hội lớn để khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng tiếp tục quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch trong thời gian tới. Hiện nay, nhân dân, du khách thập phương về đây để chiêm ngưỡng khu di tích và ngắm dòng sông di sản. Từ năm 2023 đến hết tháng 7/2024, khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đón 365.000 lượt khách. Hiện những nơi có sông Bạch Đằng chảy qua có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội độc đáo, đặc sắc.

Địa hình đảo Hà Nam nằm giữa vùng sông nước nơi cửa biển Bạch Đằng. Trước đây, cuộc sống của ngư dân trên đảo phụ thuộc chủ yếu vào nghề đi biển. Làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ ở làng đảo Hà Nam từ đó ra đời phát triển cho đến bây giờ. Hiện nay, dọc bờ sông Bạch Đằng có hơn 100 hộ dân, cơ sở đóng tàu, thuyền đang hoạt động. Sự tồn tại của nghề này mang đậm phong cách, trí tuệ và nếp sống cần cù lao động của ngư dân vùng sông biển Quảng Yên.

7

 Nghệ nhân Nhân dân Lê Đức Chắn (phường Phong Hải, TX Quảng Yên) “truyền lửa” nghề đóng tàu, thuyền cho nhiều thanh niên trên đảo.

Nghệ nhân Nhân dân Lê Đức Chắn (76 tuổi, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) là truyền nhân đời thứ 17 của nghề đóng tàu, thuyền ba vách truyền thống của địa phương, tâm sự: "Hòn đảo quê tôi được bao bọc bởi sông Bạch Đằng. Nước dòng sông Bạch Đằng đặc trưng thủy triều lên xuống theo từng ngày. Gắn bó vùng sông nước nên từ nhỏ tôi cũng bén duyên với nghề đóng tàu truyền thống. Có những giai đoạn nghề đóng tàu, thuyền hưng thịnh mỗi năm, xưởng đóng tàu của gia đình tôi đã đóng mới, sửa chữa hàng trăm con tàu để hạ thủy. Nghề đóng tàu, thuyền truyền thống bên dòng sông Bạch Đằng không chỉ giúp ngư dân vươn khơi bám biển mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân làng nghề với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng/người”.

8

 Anh Nguyễn Văn Võ (phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) vẫn bám nghề đan thuyền truyền thống cha ông xưa để lại.

Sông Bạch Đằng, trước khi đổ ra biển qua cửa Nam Triệu mang phù sa cho vùng hạ lưu, hình thành lên bãi bồi, rừng ngập mặn phong phú. Riêng tại TX Quảng Yên hiện có gần 12.300ha đất bãi bồi cửa sông, ven biển. Đặc điểm địa hình và đất đai, độ mặn tự nhiên trên sông Bạch Đằng phù hợp nuôi trồng thủy sản (hàu, hà, tôm, cua). Trong đó, con hàu và cua vùng cửa sông Bạch Đằng tạo nên thương hiệu nổi tiếng trong vùng. Trung bình mỗi năm, TX Quảng Yên thu hoạch trên 30.000 tấn hàu, hà; giá trị kinh tế từ 200-300 tỷ đồng. Hệ sinh thái, nguồn thủy hải sản đa dạng, nguồn lợi bất tận cho hàng trăm ngư dân mưu sinh trên sông. Bên cạnh đó, sông Bạch Đằng còn giữ vị trí giao thông thủy chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương.

9

 Nghi lễ rước tượng Đức thánh Trần từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang trong Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2024.

Sông Bạch Đằng nguy cơ phải đối mặt với những thách thức lớn nhất là sắp tới, TX Quảng Yên thu hồi một số khu vực Đầm Nhà Mạc (nằm gần sông Bạch Đằng) làm các dự án khu công nghiệp kéo theo diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp lại; một số luồng lạch đang bị bồi lắng cản trở giao thông đường thủy. Trong khi đó, làng nghề đóng tàu, thuyền truyền thống trên đảo Hà Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần, chưa thu hút được khách du lịch. Về lâu dài để khai thác hiệu quả, bền vững, sông Bạch Đằng cần có quy hoạch chiến lược, chi tiết, thống nhất giữa hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.

10

 Cầu Bến Rừng nằm vắt ngang dòng sông Đá Bạc - một nhánh hợp thành sông Bạch Đằng có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng vừa đưa vào hoạt động giữa tháng 7/2024.

Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, cho biết: Sông Bạch Đằng có vai trò kết nối TX Quảng Yên với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, việc phát huy giá trị của dòng sông này không chỉ có ý nghĩa với địa phương mà còn có tác động tích cực đến toàn vùng. Trên thực tế, nhiều thành phố trên thế giới đã thành công trong xây dựng thương hiệu, quảng bá văn hóa và khai thác kinh tế từ dòng sông. Với những trầm tích dày đặc về văn hóa, lịch sử, sông Bạch Đằng có dư địa lớn để phát triển du lịch với nhiều mô hình. Từ văn hóa ven sông đến văn hóa trên sông đều có thể trở thành những nguồn lực quan trọng để phát triển ngành “công nghiệp không khói" của Quảng Yên. Để đánh thức tiềm năng của dòng sông Bạch Đằng, địa phương sẽ có những hướng điều chỉnh quy hoạch phù hợp theo hướng đô thị mở không quay lưng lại với dòng sông. Quy hoạch dựa trên cơ sở bảo tồn tối đa được những giá trị văn hóa, lịch sử vốn có, giữ lại cảnh quan sinh thái xưa, đồng thời làm gia tăng thêm giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Phạm Tăng- (ảnh Phạm Cường- Quốc Khương- CTV)