Nghề livestream bán hàng liệu có màu hồng?

Quyền Trung
Nghề livestream đang trở thành một lĩnh vực thịnh hành đối với giới trẻ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới vì thời gian linh hoạt và mức thu nhập hấp dẫn. Nhưng liệu nghề livestream bán hàng có màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ?

Nghề livestream “nở rộ”

Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi, livestream đã trở thành một phương thức bán hàng hiệu quả không thể thiếu đối với các doanh nghiệp.

Theo dự báo từ Boston Consulting Group (BCG), thị trường bán hàng này tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, sẽ đạt giá trị 25 tỷ USD vào năm 2025. Sự phát triển thần tốc này cũng đem đến nhiều cơ hội việc làm cho những người bán hàng trực tuyến - hay còn gọi là những người livestream thuê.

1

Các phiên livestream khoe thành tích khủng với doanh thu cả trăm tỉ khiến nhiều người có suy nghĩ “Livestream là vua của mọi nghề.”

Nghề hot, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, ai cũng có thể bắt đầu livestream chỉ với một chiếc điện thoại có kết nối internet, thu nhập khủng và dễ dàng trở nên nổi tiếng là những gì mà nhiều người nghĩ về công việc này. Ngày càng có nhiều bạn trẻ coi livestream là công việc trong mơ và muốn thử sức.

Cạnh tranh gay gắt

Sự tăng trưởng vượt bậc trong xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu tuyển dụng nhân viên livestream bán hàng tăng cao. Có thể nói, livestream đang trở thành xu hướng nghề nghiệp mới, đem đến cơ hội việc làm tiềm năng dành cho bạn trẻ năng động, sáng tạo.

Tuy hấp dẫn nhưng nghề livestream cũng đối mặt với sự cạnh tranh lớn và dễ bị đào thải nếu nội dung không đủ thu hút. Điều này đặt ra thách thức cho cả doanh nghiệp và người livestream, yêu cầu họ phải đầu tư một cách có kế hoạch để tạo dấu ấn riêng với người tiêu dùng.

Ngoài những yêu cầu tối thiểu như ngoại hình sáng, hoạt ngôn, khả năng tương tác liên tục với khách hàng, nghề livestream còn đòi hỏi người live nhiều kỹ năng khác để vận hành trơn tru một dự án livestream từ đầu đến cuối.

Ngoài ra, để thành công trong lĩnh vực livestream bán hàng, các streamer không chỉ cần các sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh mà còn phải tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo, như tổ chức các phiên livestream có chủ đề và đầu tư vào diễn xuất, vũ đạo. Việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành là chìa khóa để nổi bật giữa “biển người”.

Diễn viên – content creator Gia Linh Nguyễn, một người bán hàng livestream có doanh thu hàng tỷ đồng cho rằng việc livestream khó hơn nhiều so với việc làm nội dung video đơn thuần. Để có được những phiên live hiệu quả, những người làm công việc này cần chuẩn bị một tinh thần thép.

"Rất nhiều người livestream bán hàng nhưng đã phải đối mặt với những phiên live 3 không: Không mắt xem - Không doanh thu - Không tương tác. Việc livestream bán hàng cần phải có bí quyết riêng. Đặc biệt livestream bán hàng giữa các nền tảng mạng xã hội phải có những cách tương tác và tạo nội dung khác biệt", Gia Linh cho biết.

2

Diễn viên - Tiktoker Gia Linh Nguyễn với hơn 1 triệu người theo dõi

Đánh đổi sức khỏe

Chứng kiến một buổi live của các streamer mới thấy được công việc này đòi hỏi nhiều năng lượng và tinh thần thế nào. Không chỉ phải nói lớn, một streamer bán hàng chuyên nghiệp phải nói liên tục trong nhiều giờ, đồng thời sử dụng linh hoạt các biểu cảm, động tác khác nhau để giới thiệu sản phẩm. Người live chính cũng phải phối hợp nhịp nhàng với các thành viên trong ekip để tăng hiệu ứng cho phiên live trở nên hấp dẫn hơn.

Không ít bạn trẻ mới vào nghề cảm thấy thất vọng khi thực tế không như mong đợi, do sức cạnh tranh lớn, tính khắc nghiệt trong công việc, và nhiều luật "khó nhằn" được đặt ra trong các phiên livestream. Đặc biệt là những phiên trong ngày giảm giá lớn (siêu sale), các buổi bán hàng lớn (mega live), streamer phải nói liên tục trong nhiều giờ dẫn đến phải nhập viện sau các buổi livestream vì chính sách của sàn không nói trong 5 giây sẽ vi phạm. Việc không đảm bảo năng lượng, thần sắc tốt, hoặc ấp úng, uể oải trong phiên live có thể gây ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm của khách hàng. Thậm chí, nếu không hoàn thành tốt có thể sẽ bị nhãn hàng phạt cả triệu đến chục triệu đồng.

Áp lực, sức khỏe, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo, nhiều bạn trẻ đã phải bỏ nghề sau một thời gian kiệt sức vì livestream.

3

Những phiên live kéo dài thâu đêm nhưng không có lượt xem

Theo chuyên gia thương mại điện tử, nghề livestream sẽ tiếp tục phát triển trong 5 hoặc 10 năm tới, vì trên thế giới xu hướng thương mại điện tử vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù vậy, nghề này sẽ có sự đào thải lớn vì các streamer đang dùng sức khỏe để kiếm tiền. Sức khoẻ đi xuống, những bạn trẻ không thể xây dựng thương hiệu cá nhân và không còn khả năng tạo ra sự chuyển đổi giá trị cho phiên live sẽ sớm muộn bị doanh nghiệp đào thải.

Áp lực tinh thần

Trước khi có một lượng người theo dõi ổn định và ra đơn đều trong các phiên livestream thì đa phần các streamer đều trải qua giai đoạn áp lực vì nhận được được nhiều bình luận chê bai, thậm chí là ác ý của người xem. Khi mới vào nghề, tâm lý chưa vững cộng thêm áp lực doanh số từ nhãn hàng, nhiều bạn trẻ đã vỡ mộng.

Livestream là một công việc có thể khiến một người trở nên nổi tiếng sau một video nhưng cũng có thể khiến họ mất ăn mất ngủ nếu mang tới những thông tin không chính xác, không có kiểm chứng. Không ít KOLs – những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bất chấp tất cả vì lợi nhuận, sẵn sàng quảng cáo các sản phẩm mà họ chưa từng kiểm chứng.

Điều này dẫn đến việc khách hàng quay lưng với cả người livestream lẫn nhãn hàng, phải mất nhiều thời gian và công sức để xây dựng lại thương hiệu cá nhân và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Điển hình là sự việc hai Tiktoker nổi tiếng là Quang Linh, Hằng Du Mục phải cúi đầu xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian gần đây.

4

Hằng 'Du Mục' và Quang Linh Vlogs cúi đầu xin lỗi, thừa nhận sai trong vụ quảng cáo kẹo rau củ Kera

Nghề livestream đang trở thành xu hướng trong thời đại số, đặc biệt là khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy mang lại thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội, nhưng mặt trái của nó là không thể phủ nhận. Áp lực về sức khỏe, sự cạnh tranh gay gắt và những rủi ro từ mạng xã hội đã khiến nhiều người trong nghề gặp khó khăn.

Để thành công và duy trì sự nghiệp trong lĩnh vực này, những người làm livestream cần phải có sự kiên nhẫn, bản lĩnh và khả năng thích nghi cao. Đồng thời tinh thần sáng tạo và sự có trách nhiệm đối với người tiêu dùng cũng là những yếu tố bền vững giúp streamer không bị đào thải khỏi thị trường.

Thanh Hằng