Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường Nhật Bản
Những năm gần đây, thị trường lao động đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT mặc dù ngày càng tăng nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao thì vẫn còn khan hiếm.
Nhật Bản là một nước phát triển với trình độ kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, đến năm 2030, nước này sẽ hiếu hụt đến 789.000 kỹ sư CNTT. Như vậy, thị trường lao động Nhật Bản đang trở thành một thị trường rộng mở với các nước đang phát triển.
Là trường đại học (ĐH) top đầu trong nhóm các trường ĐH việt Nam về đào tạo ICT, bên cạnh đó, PTIT cũng là đối tác của nhiều trường ĐH, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, việc mở chương trình đào tạo kỹ sư CNTT Việt Nhật là một hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay.
Sinh viên khi theo học chương trình sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng theo đúng quy định và chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản ITSS. Sau khi tốt nghiệp, ngoài bằng Kỹ sư CNTT được Học viện cấp, sinh viên có trình độ tiếng Nhật tương đương N3, được PTIT hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các DN Nhật tại Việt Nam và các DN tại Nhật Bản.
Điểm khác biệt trong Chương trình kỹ sư CNTT Việt Nhật của Học viện là hàm lượng các học phần tiếng Nhật khá cao, với 24 tín chỉ, được đào tạo bởi giảng viên từ có trình độ cao từ Học viện ngôn ngữ MEROS và các đối tác. Sinh viên sẽ được đào tạo cả 2 trình độ ngoại ngữ Tiếng Anh và Tiếng Nhật.
Đặc biệt, trong quá trình học tập, sinh viên có thể chuyển tiếp sang học tập tại các trường đối tác của Học viện nếu đáp ứng được yêu cầu đưa ra từ phía các đơn vị. Hiện tại, một số trường đối tác của Học viện sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của chương trình sang học tập tại Nhật Bản như các ĐH: Hosei, Hokkaido, Tsukuba.
PTIT cũng thông tin mức lương sau khi tốt nghiệp chương trình lên đến hơn 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sinh viên gần như được cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp Chương trình Kỹ sư CNTT Việt – Nhật.
Sinh viên tốt nghiệp chương trình, đạt trình độ tương đương chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản ITSS sau khi tốt nghiệp; Có năng lực vượt qua các kỳ thi chứng chỉ IT Passport và IT FE. Đây là 2 chứng chỉ đạt chuẩn cơ bản kỹ sư CNTT của Nhật Bản. Sở hữu chứng chỉ này sẽ có rất nhiều ưu điểm giúp cho sinh viên có thể cộng điểm khi ứng tuyển vào các công ty CNTT đặc biệt là các công ty CNTT của Nhật, hay cộng điểm khi xin visa Kodo/visa vĩnh trú tại Nhật.
Chương trình đào tạo thực tế với học kỳ DN Nhật tại Việt Nam và Nhật Bản. Các DN sẽ đồng hành cùng các bạn sinh viên để làm các dự án (project), sản phẩm thực tế, giúp cho các bạn sinh viên có thể làm quen với môi trường DN đồng thời có các sản phẩm riêng biệt để làm tốt cho CV của mình về sau.
Sinh viên còn được tham gia chuỗi workshop cùng các chuyên gia công nghệ hàng đầu tại các DN Nhật Bản giúp các bạn sinh viên có thêm kiến thức chuyên ngành, đồng thời có thêm hiểu biết về thị trường CNTT tại Nhật Bản; Được tham gia các hoạt động ngoại khoá hàng năm, đặc biệt các hoạt động trao đổi văn hoá tại Nhật Bản.
Đào tạo ra một thế hệ kỹ sư CNTT toàn cầu
Trong thời điểm toàn cầu hóa, quốc tế hóa đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các lĩnh vực của xã hội, việc đào tạo sinh viên học tập chương trình kỹ sư CNTT Việt Nhật là một trong những định hướng phát triển lực lượng kỹ sư CNTT toàn cầu của PTIT.
Đội ngũ giảng viên tham gia thực hiện Chương trình kỹ sư CNTT Việt Nhật đều có trình độ thạc sĩ trở lên, tốt nghiệp ở các trường ĐH của các nước phát triển và đúng ngành giảng dạy. Đặc biệt, giảng viên dạy lý thuyết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành có trình độ Tiến sĩ, chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Các giảng viên này đều có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; có kinh nghiệm giảng dạy từ 5 năm trở lên; có phương pháp giảng dạy hiệu quả; áp dụng tốt CNTT trong giảng dạy và nghiên cứu.
Thông qua chương trình đào tạo kỹ sư CNTT Việt – Nhật, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về CNTT đặc biệt trong lĩnh vực phát triển phần mềm giúp tạo ra một thế hệ kỹ sư CNTT có khả năng đáp ứng hiệu quả với các thách thức và cơ hội trong ngành CNTT hiện đại đặc biệt cho thị trường lao động Nhật Bản nói riêng và trên thế giới nói chung.
Một số trường ĐH tại Việt Nam đã và đang đào tạo chương trình CNTT Việt – Nhật như Đại học Bách Khoa Hà Nội với Chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật CNTT Việt – Nhật HEDSPI; Trường ĐH Việt Nhật, ĐH Quốc gia Hà Nội với Cử nhân Khoa học và Kỹ thuật máy tính. Các chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân.
PTIT mở ngành đào tạo kỹ sư công CNTT Việt Nhật với cam kết cung cấp nguồn nhận lực kỹ sư CNTT chất lượng cao là một điểm mới mẻ phù hợp với chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn 2030 nói riêng và hệ thống đào tạo của các trường ĐH tại Việt Nam nói chung. Đây là thách thức cũng là cơ hội của Học viện trong việc tiến tới đa dạng hóa các phương thức đào tạo và mở rộng hợp tác liên kết với các trường ĐH hàng đầu tại Nhật Bản nói riêng và định hướng các trường ĐH quốc tế nói chung.
Đối tượng tuyển sinh đầu vào của Chương trình là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; tham dự và trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy – Tổ hợp môn thi: Toán, Lý, Hoá (khối A00) hoặc Toán, Lý, Anh văn (khối A01); hoặc các phương án tuyển sinh riêng theo quy định của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông công bố.
Chương trình đào tạo được thực hiện trong 4,5 năm, gồm 8 học kỳ, trong đó 7 học kỳ là học kỳ tích lũy kiến thức tại Học viện và 1 kỳ thực tập tại cơ sở thực tế và thực hiện đồ án tốt nghiệp. Khuyến khích sinh viên làm đồ án tốt nghiệp bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.
Các vị trí công việc sinh viên có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp như chuyên gia: lập trình (ứng dụng web, ứng dụng di động, front-end, back-end, phần mềm nhúng…); kiểm thử phần mềm, phân tích nghiệp vụ, phân tích hệ thống, thiết kế hệ thống, quản lý dự án phần mềm; chuyên gia thiết kế và quản trị cơ sở dữ liệu, mạng máy tính; quản lý, điều hành trong lĩnh vực CNTT; an ninh mạng; phân tích dữ liệu; tư vấn bán hàng, chuyên viên tư vấn kỹ thuật và Kỹ sư cầu nối Việt – Nhật trong lĩnh vực CNTT./.
PV