Lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu: Cách nhận biết và phòng tránh

Quyền Trung
(SHTT) - Lợi dụng các xu hướng và nhu cầu của người dân, đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau với mức độ tinh vi cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng các sự kiện lớn sắp diễn ra hoặc thời gian nghỉ lễ của trẻ nhỏ, các đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội đăng thông tin tuyển người mẫu, ca sĩ, cầu thủ nhí hoặc tuyển đại diện cho các thương hiệu lớn để quảng bá sản phẩm.

1-17206006743261089423473

Sau khi người dân đăng ký tham gia, chúng sẽ thu thập thông tin cá nhân của người dân và gia đình. Các đối tượng tiếp tục hướng dẫn người dân vào trang web của chương trình để làm nhiệm vụ tăng tương tác, tăng lượt bình chọn, sau đó yêu cầu chuyển tiền để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay người dân có thể nhận biết các dấu hiệu lừa đảo thông qua các hành vi như:

- Đối tượng chủ động tạo lập các trang web, trang Facebook, lấy danh nghĩa các công ty truyền thông, trung tâm đào tạo bóng đá,... đăng tin quảng cáo trên mạng xã hội.

- Khi người dân liên hệ sẽ được các đối tượng hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và gia đình. Sau đó, các đối tượng gửi đường dẫn để người dân truy cập vào đăng ký tài khoản, làm nhiệm vụ online, chuyển tiền đặt cọc để hoàn thành nhiệm vụ, nhận lại tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

- Được mời vào các nhóm kín trên mạng xã hội, trong đó có nhiều tài khoản "vào vai" các phụ huynh khác để thúc giục nạn nhân chuyển tiền hoàn thành nhiệm vụ.

Các biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến thông qua các biện pháp sau:

- Tìm hiểu kỹ về các Công ty, Trung tâm trước khi đăng ký cho bản thân và người nhà tham gia các chương trình qua mạng xã hội. Chỉ chọn các Công ty, Trung tâm có uy tín, đã kiểm tra, xác thực chính xác thông tin (liên hệ hotline của các Công ty đăng tải trên trang web chính thống)

- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và người thân cho các trang web, trang mạng xã hội khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín để phòng tránh việc bị lừa đảo cũng như các mục đích xấu khác.

- Cảnh giác trước khi chuyển tiền phí tham sự chương trình, nếu có thể hãy đến trực tiếp văn phòng của Công ty/ Trung tâm để làm việc; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền để làm nhiệm vụ online.

Cần làm gì sau khi bị lừa đảo trực tuyến?

- Khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng Internet hoặc xin tư vấn từ bạn bè, người thân. Đừng ngại ngùng chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải, người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh, tỉnh táo hơn.

- Trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

- Liên hệ với Ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ

- Lưu lại tất cả thông tin như lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan Công an khi trình báo

- Cài đặt mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử

- Cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa

Khánh An