Long Biên - Hà Nội: Ai chống lưng cho BQL chợ ẩm thực Ngọc Lâm 'băm nát' hành lang thoát lũ sông Hồng?

Quyền Trung
Hợp tác xã Dịch vụ vận tải bốc xếp Gia Lâm là đơn vị quản lý, khai thác chợ ẩm thực Ngọc Lâm. Nhiều năm qua, không hiểu bằng cách nào mà nơi đây hàng loạt nhà hàng, quán ăn “mọc” lên kiên cố, vi phạm Luật Đê điều. Đáng nói hơn, chính quyền dù biết rõ nhưng vẫn không xử lý dứt điểm(?)

Chợ ẩm thực Ngọc Lâm thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Cách đây hơn chục năm, UBND quận Long Biên đã phê duyệt phương án xây dựng, cải tạo, khai thác chợ ẩm thực cho Hợp tác xã Dịch vụ vận tải bốc xếp Gia Lâm làm đơn vị quản lý, khai thác.

Tại thời điểm phê duyệt kết quả trúng thầu phương án quản lý chống lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh môi trường kết hợp khai thác làm dịch vụ trông giữ xe khu bãi thuộc Tổ 27, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Thành Phố Hà Nội. UBND quận này đã “Giao Thanh tra xây dựng quận, UBND phường Ngọc Lâm, Hợp tác xã Dịch vụ vận tải bốc xếp Gia Lâm có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, pháp luật và pháp lệnh đê điều, phòng chống lụt bão. Đảm bảo không để vi phạm hành lang lưu không đường sông, hành lang bảo vệ cầu long biên phần giáp ranh với diện tích đơn vị quản lý khai thác”.

ngoc lam

Thực trạng trên hành lang đê tại chợ ẩm thực Ngọc Lâm.

Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, chỉ một thời gian sau, hàng loạt nhà hàng, quán ăn tại chợ ẩm thực Ngọc Lâm đã lấn chiếm đê điều, lắp đặt, xây dựng các công trình trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh. Khu vực bãi sông từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương thuộc địa bàn phường Ngọc Lâm xuất hiện nhan nhản các công trình sát bờ sông phục vụ cho việc kinh doanh nhà hàng, quán nhậu. Các công trình này vi phạm Luật Đê điều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các thực khách. Bên cạnh đó còn tạo nên cảnh nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường.

ngoc lam1

Hàng loạt lều lán, khung sắt, nhà bạt được dựng lên trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Phía ngoài bờ đê thuộc chợ ẩm thực Ngọc Lâm có tới hàng chục nhà hàng mọc lên, ngay sát bờ sông Hồng với hàng chục tấm biển quảng cáo bia rượu lớn nhỏ như bia Tiger, bía Sài Gòn, bia Hà Nội... Vị trí quần thể này nằm sát cầu Long Biên, hầu hết các hàng quán ở đây có diện tích kinh doanh rất rộng, được làm bằng khung sắt kiên cố, có mái che, hàng rào chắn giữa các hộ. Ngoài ra, các lán sắt kiên cố còn được dựng ra sát bờ sông để mở rộng diện tích kinh doanh.

ngoc lam2

Các nhà hàng, quán nhậu nằm sát với chân cầu Long Biên.

Được biết, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu UBND Quận Long Biên, UBND phường Ngọc Lâm xử lý dứt điểm các công trình vi phạm Luật Đê điều tại chợ ẩm thực Ngọc Lâm, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả các công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại(?)

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho biết: “Năm 2006, UBND quận Long Biên phê duyệt phương án quản lý chống lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh môi trường kết hợp làm dịch vụ trông giữ xe. Đơn vị trúng thầu là Hợp tác xã Dịch vụ vận tải bốc xếp Gia Lâm được phép khai thác, quản lý, sử dụng. Chợ ẩm thực thì cũng có hàng chục năm nay rồi, chỗ ven sông đó không phải là xây dựng chỉ là mấy cái ô họ nối vào nhau, toàn ô tạm thôi nên tôi cho dỡ được ngay. Chỗ đấy theo quy hoạch là chỗ để xe nhưng các hộ người ta tận dụng… chúng tôi cũng đang có phương án cải tạo lại hết trong thời gian tới”.

ngoc lam3

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi khi nào thì xử lý, cải tạo lại, vị Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm lại nói thông tin đó thì sẽ trả lời sau.

“Bên anh sẽ gửi văn bản sang bên em, Chủ tịch ký cho chính thống” - ông Việt nói thêm.

Mặc dù ông Trần Hồng Việt trả lời như vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tại hành lang thoát lũ sông Hồng nằm trong khu vực chợ ẩm thực Ngọc Lâm không chỉ đơn giản nhà những chiếc ô tạm mà tại đây hàng loạt lều lán khung sắt kiên cố được dựng lên. Một số nhà hàng, quán nhậu còn lắp cả sàn gỗ, lan can vươn ra phía dòng chảy sông Hồng.

ngoc lam4

Những khung sắt được hàn kiên cố, có mái che nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng chứ hoàn toàn không phải là những chiếc ô tạm như ông Việt nói.

Trước đó, phóng viên cũng đã đặt lịch làm việc với UBND quận Long Biên để tìm hiểu về trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm nêu trên. Tuy nhiên, phía UBND quận Long Biên không trả lời mà lại đá quả bóng xuống UBND phường Ngọc Lâm(?)

ngoc lam5

Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho rằng đây chỉ là những chiếc ô tạm.

Được biết, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) cũng đã từng có văn bản tới các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý tình trạng vi phạm Luật Đê điều nhưng đến nay các vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ chợ ẩm thực Ngọc Lâm “băm nát” hành lang thoát lũ sông Hồng là do ai? Do Hợp tác xã Dịch vụ vận tải bốc xếp Gia Lâm quản lý kém hay do sự “buông lỏng quản lý” của UBND phường Ngọc Lâm và UBND quận Long Biên? Nếu có cháy nổ, mất an ninh trất tự và ảnh đến đê điều, thoát lũ thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.