Tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2024 với các Sở TT&TT. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Phạm Đức Long, lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ và đại diện một số bộ ngành liên quan.
Những ngày qua, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây ảnh hưởng đến mạng lưới viễn thông một số tỉnh miền núi phía Bắc, gây gián đoạn liên lạc ở một vài địa phương. Do vậy, đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ TT&TT quan tâm và quyết liệt chỉ đạo.
Báo cáo với lãnh đạo Bộ, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, bà Lê Ngọc Hân cho biết trước sự tàn phá của cơn bão số 3, các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính và truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục cơ bản đã hoàn thành. Sở TT&TT Quảng Ninh đã cam kết với tỉnh sẽ đảm bảo thông suốt toàn bộ mạng lưới để phục vụ đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng, ông Phạm Văn Tuấn, cơn bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng đã làm gãy đổ 48 trạm phát sóng, hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất về hạ tầng viễn thông là đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cát Bà. Đến nay, 2 huyện đảo đã có thể thông tin liên lạc trở lại bình thường. Tại nội thành thành phố Hải Phòng, 90% mạng lưới viễn thông cũng đã được khôi phục.
Tại Thái Nguyên, mưa to vào tối và đêm 9/9 khiến mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao, nhiều khu vực dân cư chìm trong biển nước. Tuy vậy, theo Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên, đến nay nước lũ tại Thái Nguyên đã bắt đầu rút, trên toàn tỉnh không có trạm BTS nào gãy đổ, hệ thống thông tin có lúc bị gián đoạn nhưng sau đó đã được khắc phục.
Chia sẻ với các địa phương bị thiệt hại bởi cơn bão số 3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý cần xem đây như một bài học để tăng cường chuẩn bị cơ sở hạ tầng viễn thông cho những tình huống thiên tai tương tự có thể xảy đến trong tương lai.
Trong thiên tai, điều quan trọng nhất là duy trì được thông tin liên lạc để bảo đảm chính quyền địa phương có thể điều hành ứng phó. Bộ trưởng đề nghị Sở TT&TT các địa phương cần thúc đẩy việc kiên cố hóa mạng lưới viễn thông.
Mỗi một huyện phải có ít nhất một nhà trạm kiên cố, vững chắc với máy phát điện dự phòng, đường cáp quang trục, đảm bảo kết nối thông tin liên lạc trong mọi trường hợp. Với cấp xã, chính quyền cũng nên có phương án chung tay với các nhà mạng tìm một vị trí để xây dựng nhà trạm vững chắc.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng nhắc đến là việc chia sẻ sóng (roaming) giữa các nhà mạng khi có tình huống khẩn cấp. Đây là cách làm tốt, triển khai nhanh trong cơn bão số 3 vừa qua.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân chưa biết cách chuyển đổi mạng khi cần, làm giảm hiệu quả của phương án roaming. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các Sở TT&TT phải thông báo và hướng dẫn người dân về cách chọn mạng tự động trước khi bão đổ bộ, bảo đảm thông tin không bị gián đoạn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngầm hóa hạ tầng viễn thông. Đây là giải pháp mang tính lâu dài, giúp hạn chế tối đa thiệt hại khi bão xảy ra.
Mạng lưới viễn thông giờ đây không chỉ còn là hạ tầng "alo" mà đã trở thành hạ tầng số, là hạ tầng của nền kinh tế, vì vậy phải an toàn. Các Sở TT&TT cần có phương án đảm bảo thông tin trong tình huống khẩn cấp, từ đó hàng năm lên kế hoạch kiểm tra, đánh giá.
Những việc ngành TT&TT cần thúc đẩy ngay trong Quý 4
Tại hội nghị giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều chỉ đạo về các công việc của ngành TT&TT trong những tháng cuối năm, đồng thời đề ra chiến lược cho những năm tới.
Bộ TT&TT đặt mục tiêu năm 2025 sẽ kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, chuyển sang Chính phủ số. Để làm được điều đó, ít nhất 70% hồ sơ dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương phải được xử lý trực tuyến. Trên thực tế, 80% hồ sơ trực tuyến phát sinh từ 8,2% các dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, đây là bài toán chính mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết.
Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của các trung tâm điều hành thông minh (IOC), từ đó chỉ ra mô hình thành công, rút ra bài học kinh nghiệm, phổ biến rộng rãi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ đạo về việc phải tăng cường đo kiểm chất lượng sóng di động tại cấp xã nhằm đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông đáp ứng các tiêu chuẩn.
Mỗi xã cần có ít nhất 30 người sử dụng phần mềm đo kiểm do Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam phát triển để đánh giá chính xác chất lượng mạng. Kết quả này sẽ được tổng kết và công bố hàng tuần, từ đó tạo ra bức tranh tổng thể về chất lượng sóng di động trên toàn quốc.
Bộ TT&TT coi mạng Wi-Fi trong mỗi hộ gia đình là một phần của hạ tầng viễn thông. Có đường truyền cáp quang Internet mới có Wi-Fi, do vậy việc đưa cáp quang đến từng hộ gia đình được xem là chiến lược quan trọng.
Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm tăng tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền cáp quang Internet, với mục tiêu ít nhất 70% các hộ gia đình có cáp quang. Tuy nhiên, do đặc thù khác nhau giữa các vùng miền, địa phương, Bộ TT&TT sẽ phân loại để đặt mục tiêu và thống nhất tìm ra phương án.
Để người dân sống được trên không gian số cần phải có những nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ lập danh sách các nền tảng số, từ đó khuyến nghị tới các địa phương để hướng dẫn người dân sử dụng. Xã hội số cũng chính là tiền đề để hình thành nên kinh tế số.
Bộ TT&TT xác định, để nâng cao chất lượng bộ máy công chức, việc xây dựng hệ tri thức và trợ lý ảo đóng vai trò quan trọng. Tới đây, các Sở TT&TT sẽ có thể sử dụng và đóng góp vào hệ tri thức ngành do Bộ TT&TT phát triển.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long lưu ý vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Theo đó các Sở TT&TT cần khẩn trương tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai các kết luận tại hội nghị này, đó là thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lưu ý xong DVCTT tức là xong giai đoạn Chính phủ điện tử, để chuyển sang giai đoạn Chính phủ số. Xong tức là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đạt trên 70%. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đối với các nước đã phát triển là 80%, nhưng đối với các nước đang phát triển thì mới được 30%.
Bộ trưởng cho biết bài học thành công về triển khai DVCTT đã có và giờ là thúc đẩy làm nhanh. Thủ tướng Chính phủ đã giao việc cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm. Các tỉnh có hệ thống dịch vụ công cũ, kém hiệu quả thì có thể xem xét và nghiên cứu dùng hạ tầng của VNPT iGate, đã có sẵn cổng dịch vụ công để có thể triển khai nhanh.
Bộ trưởng cũng đề nghị tổ chức hội nghị tổng kết về triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC), rút ra bài học kinh nghiệm và phổ biến rộng trong tháng 9/2024; triển khai đo sóng di động đến cấp xã.
Việc đo sóng di động của đến cấp xã phải được thực hiện ở 2 mức đo là 45Mbit/s và 60Mbit/s.
“Bộ TT&TT cung cấp công cụ, hướng dẫn, địa phương phải triển khai để có 'bức tranh' tốc độ sóng di động. Sóng di động hiện nay là hơi thở của cuộc sống, như là không khí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hữu Phúc