Khu CNC Hòa Lạc: Xúc tiến công nghệ cao, biến Thủ Đô thành thành phố khoa học hiện đại

Quyền Trung
(SHTT) - Sáng 30/9 tại khu CNC Hòa Lạc tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao. Hoạt động thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành; một số Bộ, ngành; đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư…
KCN

Bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phát biểu tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (HHTP) cho biết, Luật Thủ đô sửa đổi tại điều 24 đã xác định HHTP là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô. Đây là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.

Theo đó Luật cũng quy định một số chính sách vượt trội, giao quyền cho UBND TP Hà Nội trong thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao và ban hành quy chế hoạt động các khu công nghệ cao trên địa bàn. Lãnh đạo HHTP cho rằng Luật Thủ đô là hành lang pháp lý quan trọng, "cú hích" cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.

Bà Phan Thị My cho biết, Ban Quản lý cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với tinh thần cởi mở và luôn đổi mới; sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư và tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và minh bạch để Khu CNC Hòa Lạc trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và các thành tựu công nghệ "Make in Viet Nam" vươn tầm phát triển.

KCN1

Ban Quản lý KCN Hòa Lạc ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư (Invest Global) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Thông tin về tình hình thu hút FDI tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.

Việt Nam nói chung, các khu CNC nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút do nhiều nguyên nhân như: Điều kiện chính trị và xã hội ổn định; sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, chúng ta lại có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, cơ cấu dân số vàng; chi phí sản xuất cạnh tranh…

KCN2

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày

Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về hai định hướng chính trong hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam đó là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

"Nếu không có công nghệ sẽ không có sự phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu, định hướng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc là rất đúng đắn, cùng với những nỗ lực của Ban Quản lý, Khu CNC Hòa Lạc sẽ tiếp tục trở thành 'trái tim' của Thủ đô, thu hút được nhiều dự án có chất lượng", ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Chia sẻ về đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, CMC có kế hoạch xây dựng Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC Creative Space Hòa Lạc (CCS Hòa Lạc) với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, CMC đang xúc tiến thủ tục để sớm khởi công dự án này.

"Đây là dự án rất quan trọng của CMC trải dài khắp các tỉnh, thành phố trong chiến lược đưa Việt Nam trở thành Digital Hub, trung tâm cung cấp dữ liệu số của khu vực và toàn cầu", ông Nguyễn Trung Chính cho hay.

Bên cạnh đó, tháng 9 vừa qua, CMC cũng đã đưa ra chiến lược về chuyển đổi AI. Để triển khai chiến lược, việc xây dựng các hạ tầng số rất cần thiết và dự án của CMC ở Hòa Lạc là một trong cấu phần quan trọng thiết lập hạ tầng số.

Ông Nguyễn Trung Chính đánh giá cao Luật Thủ đô sửa đổi, đặc biệt Điều 24 Luật Thủ đô đã quy định một số cơ chế, chính sách phát triển cho Khu CNC, qua đó sẽ tạo bước đột phá mới cho hoạt động thu hút đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc.

Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng các chiến lược, tầm nhìn, cách thức phát triển của Khu CNC Hòa Lạc nên gắn chặt với Thủ đô. Đơn cử như Thủ đô có lợi thế về nguồn nhân lực trí thức, do đó, Khu CNC Hòa Lạc nên tận dụng tối đa sức mạnh đó trong quảng bá, giới thiệu và chiến lược thu hút.

Để Khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của Thủ đô, đòi hỏi Khu phải có chiến lược bao trùm, tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển hạ tầng thiết yếu, đô thị cho giới nghiên cứu, đô thị cho các nhà khoa học.

"Nhiều năm quan sát, chúng tôi đã có quyết định đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc vì Khu đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, Chính phủ, Hà Nội vẫn sẽ phải tiếp đầu tư hạ tầng để thực sự có những tiện ích cho đội ngũ lao động công nghệ cao. Có tiện ích mới thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Nguyễn Trung Chính nêu quan điểm và đề xuất Hà Nội cần ưu tiên triển khai nhanh tuyến đường sắt đô thị kết nối Hòa Lạc với trung tâm Thành phố.

KCN3

Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung trình bày tham luận

Theo ông Trần Đắc Trung, bước sang giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và động lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn, Khu CNC Hòa Lạc cũng được trao thêm nhiều cơ chế, chính sách mới có tính vượt trội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua so với pháp luật hiện hành.

Cụ thể: Quy định về giao quyền cho UBND thành phố trong việc: Thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố và ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao (theo quy định hiện hành thì các thẩm quyền này của Thủ tướng Chính phủ); Quy định về việc UBND thành phố phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện giao đất, cho thuê đất tại Khu CNC Hòa Lạc (theo quy định hiện hành tại Luật Đất đai thì UBND thành phố không được phân cấp, ủy quyền); Quy định về việc các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất thì mới được cho thuê, liên doanh, liên kết)...

Cũng tại Diễn đàn, Ban Quản lý KCN Hòa Lạc đã tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư (Invest Global) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để mở rộng, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.

Hữu Phúc